Kinhtedothi - TP Hà Nội tuy có diện tích đất canh tác nông nghiệp lớn nhưng do diễn biến ngày càng thất thường của thời tiết khiến sản xuất nông nghiệp và đời sống người nông dân chịu nhiều tác động. Chính vì vậy, công tác bơm tưới, tiêu thoát nước thủy canh nội đồng là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm, nhất là khi mùa mưa bão đang tới gần.
Dù đã được TP quan tâm, nhưng hiện hệ thống thủy lợi trên địa bàn TP Hà Nội vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. Không ít hạng mục đã và đang bị xuống cấp hoặc chậm được thay mới, ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng tưới tiêu nội đồng, giảm năng suất và chất lượng nông sản.
Các hạng mục xuống cấp nghiêm trọng
Nằm trong vùng trũng của TP Hà Nội, huyện Phú Xuyên được xem là "điểm nóng" về tình trạng ngập úng, nhất là vào mùa mưa bão, khiến các nhà quản lý cũng phải "đau đầu". Được xây dựng từ những năm 1960, trạm bơm Đại Đông (thị trấn Phú Xuyên) - một trong những trạm bơm có tuổi đời cao nhất trên địa bàn TP có nhiệm vụ chính là tưới nước cho diện tích khoảng 1.000ha đất canh tác nông nghiệp khu vực phía Bắc của huyện. Tuy nhiên, cơ sở vật chất của trạm hiện bị xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo công tác ứng trực bảo vệ tại trạm. Ông Nguyễn Anh Thông - Cụm phó Cụm Thủy nông Liên Hòa cho biết, tại Trạm bơm Đại Đông có 3 tổ máy nhưng hiện đều đã hết khấu hao và chưa có điều kiện thay thế.
Trạm bơm Hồng Vân (huyện Thường Tín) chưa được đầu tư đồng bộ, ảnh hưởng đến năng lực tưới của cả hệ thống. Ảnh: Lâm Nguyễn
|
Tại huyện Thường Tín, sự xuống cấp của hệ thống trạm bơm trên địa bàn huyện những năm qua đã khiến người dân nơi đây không khỏi quan ngại. Hiện, trên địa bàn huyện có tổng số 31 trạm bơm, nhưng nhiều trạm đã hoạt động từ những năm 1965, trong đó có Trạm bơm Hồng Vân. Hệ thống máy bơm của trạm đã cũ sau gần nửa thế kỷ hoạt động khiến công suất bơm tiêu không đạt như mong muốn. Ngoài ra, hệ thống kênh tiêu dài gần 30km đang cải tạo dở dang, gây thất thoát nước lớn, hệ số tưới thấp. Cũng trên địa bàn huyện Thường Tín, Trạm bơm Bộ Đầu có 27 máy bơm, công suất mỗi máy trung bình khoảng 1.000m3/giờ. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Nguyện - Phó Cụm trưởng cụm Nam (Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Hồng Vân), do được đầu tư từ năm 1986 nên công suất của Trạm bơm Bộ Đầu hiện chỉ đạt khoảng 60%.
Khảo sát của phóng viên tại các Trạm bơm Cẩm Hà I - II, Trạm bơm Tân Hưng (huyện Sóc Sơn), Trạm bơm Mạnh Tân (huyện Đông Anh) cũng cho thấy sự xuống cấp nhanh chóng của nhiều hạng mục công trình thủy lợi. Phổ biến nhất là việc nhiều bánh xe công tác (cánh quạt) bị mòn, sứt mẻ; một số phần ống hút đã hoen gỉ, mục thủng nhiều đoạn…
Hệ thống thiếu đồng bộ
Bên cạnh sự xuống cấp của nhiều hạng mục, các trạm bơm trên địa bàn TP đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đồng bộ, ảnh hưởng lớn tới hiệu năng của toàn hệ thống trạm bơm.
Nằm trên địa bàn huyện Phú Xuyên, Trạm bơm Khai Thái là một trong những điểm tiêu thoát nước lớn nhất, có nhiệm vụ bơm tiêu cho khoảng 4.200ha đất canh tác nông nghiệp (thuộc 8 xã khu vực phía Đông của huyện). Trạm bơm này được đầu tư 3 máy bơm với công suất 25.000m3/giờ/máy, vận hành từ năm 2001. Tuy nhiên, do sự cố chập cháy trong quá trình tiêu thoát nước mùa lũ năm 2008 nên hiện chỉ có 2/3 máy bơm hoạt động bình thường, 1 máy đã cũ, "lúc hoạt động, lúc không thể… khởi động". Bên cạnh đó, dù được đầu tư hệ thống máy bơm công suất lớn nhưng Trạm bơm Khai Thái hiện vẫn chưa có bể điều hòa và bể hút, ảnh hưởng lớn tới hiệu suất tiêu thoát nước. Cũng tại huyện Thường Tín, trong tổng số 27 máy bơm của Trạm bơm Bộ Đầu có 10 máy được đầu tư mới từ khoảng năm 2008. Tuy nhiên, dự án cải tạo hệ thống kênh mương dọc hệ thống sông Nhuệ có vai trò bổ trợ cho việc tiêu thoát nước của trạm lại chưa được thực hiện, khiến năng lực tiêu thoát của hệ thống suy giảm đáng kể.
Không chỉ ở Phú Xuyên, Thường Tín, hệ thống trạm bơm tại huyện Đông Anh cũng thiếu đồng bộ. Ông Nguyễn Minh Quang - Cụm trưởng Cụm Thủy nông Mạnh Tân (huyện Đông Anh) bộc bạch, Trạm bơm Mạnh Tân được xây dựng từ những năm 1969, gồm 18 tổ máy, công suất khoảng 2.300m3/giờ/máy, tiêu nước ra sông Cà Lồ. Nhiều năm qua đã góp phần quan trọng trong việc tiêu úng, chống ngập cho 1.920ha diện tích canh tác khu vực phía Nam huyện. Tuy nhiên, qua gần 45 năm hoạt động, trạm bơm đã bị xuống cấp, trong khi hệ thống máy bơm được đầu tư không đồng bộ, dẫn tới hiệu suất tưới tiêu không đạt như mong đợi.
Việc hệ thống tưới tiêu trên địa bàn TP hư hỏng, ngày càng xuống cấp đã tác động không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp của các địa phương.
Điều đáng nói là, sau trận lũ lịch sử năm 2008 đến nay, Hà Nội chưa phải trải qua đợt mưa lũ nghiêm trọng nào, dẫn đến sự chủ quan của các ngành, các cấp trong đầu tư hệ thống thủy lợi nhằm đối phó với những kịch bản tương tự năm 2008, nhất là khi mùa mưa bão đang tới gần.