Chuyên gia nghiên cứu thị trường BĐS Vũ Quang Vinh. |
- Theo thống kê của Hiệp hội BĐS Việt Nam, trên thị trường hiện nay khoảng 70 – 80% người mua nhà có nhu cầu về nhà ở bình dân, gồm nhà ở giá rẻ và nhà ở xã hội. Thực tế cho thấy, nguồn cung chênh lệch lớn giữa phân khúc nhà ở tầm trung – cao cấp so với sản phẩm nhà ở giá rẻ. Tôi không bất ngờ vì thống kê trong quý II/2020 số lượng người tìm mua nhà giá rẻ tăng vọt trên thị trường, vì nhu cầu thực vẫn ở mức cao.
Nói như vậy có phải người dân đang "bí tiền" nên phải quay sang dòng sản phẩm này?
- Theo đánh giá của tôi, dòng tiền của người dân là rất nhiều nhưng trước tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế khủng hoảng, khiến cho tâm lý người mua có sự “phòng thủ”, hạn chế rót vốn vào dòng sản phẩm giá trị lớn. Vì vậy, sản phẩm thuộc phân khúc trung – cao cấp giá cao, phần lớn là các giao dịch mang tính đầu tư trước đây, thì hiện nay sẽ bán chậm hơn.
Ngược lại, nhu cầu thực về nhà ở của đại bộ phận người có thu nhập trung bình lại tập trung vào những sản phẩm có diện tích nhỏ, giá bán vừa phải, phù hợp với tiềm lực tài chính sẽ được thị trường hấp thụ cao hơn. Nhưng hiện nay, nguồn cung phân khúc này còn hạn chế mà nguyên nhân do những chính sách liên quan đến nhà ở thương mại giá rẻ chưa thực sự thông thoáng.
Để giải quyết được vướng mắc đó cần có giải pháp gì, thưa ông?
- Vừa qua có thông tin, Bộ Xây dựng sẽ trình Chính phủ về việc phát triển các dự án nhà ở thương mại giá rẻ (giá bán từ 20 – 25 triệu đồng/m2 - PV) để bù lấp vào quỹ nhà ở xã hội đang còn thiếu trên thị trường. Thực tế trong thời gian qua, cơ quan chức năng mới chỉ xây dựng chính sách liên quan đến nhà ở xã hội, chưa có quy định cụ thể nào cho nhà ở thương mại giá rẻ.
Vì vậy, cần phải có cơ chế ưu đãi dành cho nhà ở thương mại giá rẻ như chính sách về thuế, tiền thuê đất, vay vốn tín dụng ngân hàng… Như vậy mới có thể khuyến khích các DN đầu tư và người thu nhập thấp sẽ thêm cơ hội được cải thiện "nơi ăn chốn ở", nâng cao chất lượng cuộc sống.
Xin cảm ơn ông!