Kinhtedothi - Sáng 22/4, tiếp tục chương trình lấy ý kiến cho dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XVI Đảng bộ TP, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị xin ý kiến đóng góp của đại biểu các bộ, ban, ngành TƯ. Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc chủ trì hội nghị.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị phát biểu tại hội nghị.
|
Tại hội nghị, 13 ý kiến của các đại biểu đồng tình với nội dung và bố cục trình bày của dự thảo, đồng thời đánh giá bản Báo cáo được chuẩn bị công phu, bài bản, phản ánh đúng tình hình và đầy đủ các vấn đề.
Các đại biểu cũng đánh giá cao việc Thành ủy Hà Nội tổ chức lấy ý kiến rộng rãi cho dự thảo Báo cáo Chính trị, qua đó sẽ tập hợp được trí tuệ cũng như sức mạnh của toàn đảng bộ. Một số ý kiến cho rằng, trong các mặt vấn đề Hà Nội cần chỉ ra đặc thù riêng của mình, từ đó nhấn mạnh những thành tựu nổi bật đã đạt được trong nhiệm kỳ qua. Bởi với vị thế là Thủ đô, là đầu tàu kinh tế của cả nước, cùng với những thuận lợi thì khó khăn, thách thức đặt ra cho Thủ đô là không ít. Đảng bộ TP không chỉ làm cho bản thân Hà Nội mà còn làm cho cả nước, đây chính là đặc thù riêng của Hà Nội mà các đại biểu muốn trong Báo cáo Chính trị cần nhấn mạnh và đi sâu phân tích.
Nhiều ý kiến phân vân có nên đưa đánh giá 30 năm đổi mới ở Thủ đô vào Báo cáo Chính trị nhiệm kỳ này, bởi đây là vấn đề lớn, tuy nhiên trong dự thảo thì kết quả còn nhạt, chưa nổi bật so với thành tựu đạt được. Bên cạnh đó, việc đánh giá nhược điểm cũng như bài học kinh nghiệm trong dự thảo vẫn dừng ở mức chung chung, cần bổ sung thêm số liệu cụ thể. Các đại biểu đề nghị, Báo cáo cần, làm rõ công tác chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND TP trong nhiệm kỳ qua về công tác quy hoạch, như Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt, đang triển khai tốt, hiệu quả.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Tô Quang Thu phát biểu tại hội nghị.
|
Theo các đại biểu, nhiệm kỳ qua, trên địa bàn Thủ đô diễn ra rất nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và đều tổ chức thành công, an toàn, để lại hình ảnh đẹp trong mắt bạn bè trong nước và quốc tế. Do vậy, dự thảo cần bổ sung, kết quả, nêu toát lên được sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và Nhân dân Thủ đô. Trong phần phương hướng, nhiệm vụ, cần tận dụng tiềm năng, lợi thế Thủ đô, để đặt ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm hội nhập sâu kinh tế quốc tế, tăng cường xuất khẩu, giảm nhập siêu; đặt ra mục tiêu xử lý ô nhiễm môi trường (nước và không khí), phát triển kinh tế xanh, công nghiệp sạch, nông nghiệp, sinh thái sạch, đặc biệt trong ngành dịch vụ, chú trọng các ngành: tài chính ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông, du lịch… và có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực thực hiện mục tiêu trên.
Kết luận hội nghị, thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu. Đồng thời đánh giá các ý kiến đóng góp đều được chuẩn bị kỹ, có chiều sâu, thẳng thắn và có tính thực tiễn cao, thể hiện tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết của các bộ, ban, ngành T.Ư đối với Thủ đô Hà Nội.
“Chúng tôi nhận thức là, các đại biểu mong muốn báo cáo này phải thể hiện được bản sắc, đặc trưng của Hà Nội. Ngay như về chủ đề, chúng tôi sẽ nghiên cứu để hoàn thiện bổ sung về dân chủ, kỷ cương… là những gợi mở rất sâu” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh và khẳng định, thông qua hội nghị, TP thu hoạch được rất nhiều ý kiến, mong muốn để xây dựng Hà Nội ngày càng văn minh hiện đại. Trước khi đưa ra công bố từ nay cho đến lúc các văn bản được công bố toàn văn trên báo chí, TP mong muốn vẫn tiếp tục nhận được các ý kiến của cá nhân, tập thể, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XVI của Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Đồng Tiến: Ưu tiên phát triển dịch vụ tài chính ngân hàng Kinh tế Hà Nội đề cao dịch vụ là đúng (đạt tỷ trọng 53% năm 2015, nâng lên 75% vào năm 2020), nhưng dịch vụ không chỉ là bán lẻ, bán buôn, trong khi tỷ trọng tín dụng của Hà Nội huy động tiền gửi chiếm 30%, cho vay 27% của cả nước, đứng tốp đầu cả nước. Đề nghị, TP đặt ra các chỉ tiêu, các giải pháp phát triển các dịch vụ tài chính ngân hàng, theo hướng tăng tỷ lệ dân cư tiếp cận dịch vụ ngân hàng, dần loại bỏ hình thức thu tiền điện, nước gõ cửa từng nhà. |
Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Hồng Hà: Phát triển theo mô hình kinh tế xanh Mô hình kinh tế xanh, tăng trưởng xanh là mô hình mà các nước tiên tiến thế giới đang lựa chọn, Hà Nội nên quan tâm việc này để phát triển bền vững. Nhiệm kỳ qua, Hà Nội đã có bước đột phát về công tác quy hoạch, tới đây cần có quy hoạch, quản lý từ lòng đất, mặt đất đến không gian…, có giải pháp làm hồi sinh các sông hồ phải quy hoạch lại hệ thống thoát nước để thực hiện mục tiêu trên… |
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh: Hà Nội hướng tới công nghiệp sạch Từ nay đến năm 2018, Việt Nam sẽ hội nhập quốc tế rất lớn, nếu không đánh giá đúng bối cảnh sẽ rất khó khăn trong việc đề ra các mục tiêu, giải pháp. Báo cáo cần bổ sung, nhận định dự báo, đây là cơ sở rất quan trọng, tác động mạnh đến sự phát triển Thủ đô. Bộ Công thương đã quyết định phê duyệt quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, trong đó Hà Nội được xác định phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao, giá trị kinh tế lớn. |