Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ý kiến người dân là một kênh quan trọng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cuối tuần qua, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường Dự thảo Nghị quyết về Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Tại phiên thảo luận, đa số ĐBQH cho rằng, bước đầu chỉ nên tập trung thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với 49 chức danh gồm: Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ QH; Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; Tổng Kiểm toán Nhà nước. Ở HĐND các cấp, đa số các ý kiến đồng tình chỉ giới hạn lấy phiếu tín nhiệm trong phạm vi Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Thường trực HĐND; Trưởng các ban của HĐND; Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên UBND.
Ý kiến người dân là một kênh quan trọng - Ảnh 1
Đại biểu Đặng Thị Kim Chi (đoàn Phú Yên) thảo luận Dự thảo Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm.Ảnh: Minh Điền

ĐB Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh) nhấn mạnh về nguyên tắc tất cả các chức danh do Quốc hội và HĐND bầu hoặc phê chuẩn đều phải lấy phiếu. Nhưng bước đầu, chỉ thực hiện trong phạm vi 49 chức danh ở Quốc hội. Đây là những cán bộ phải báo cáo công tác trước Quốc hội, sẽ góp phần nâng cao hiệu lực hoạt động của bộ máy Nhà nước. Kết quả đánh giá tổng kết cho giai đoạn này là căn cứ để mở rộng diện cán bộ phải lấy phiếu.
 Đồng tình với quan điểm này, ĐB Nguyễn Bắc Việt (đoàn Ninh Thuận) còn cho rằng, việc người dân tham gia xây dựng chính quyền thông qua ĐBQH, ĐB HĐND cũng là một kênh, nhưng cần có thêm hình thức để họ trực tiếp bày tỏ chính kiến. Đề nghị có quy định Quốc hội, HĐND giao cơ quan chuyên môn tiến hành điều tra dư luận xã hội một cách khoa học và coi đó là một trong những căn cứ đánh giá tín nhiệm. Về lâu dài, Nghị quyết này trở thành tiền đề để QH cho ý kiến ban hành Luật Tự phê bình và phê bình... 
Về lượng hóa mức độ tín nhiệm, các ĐBQH cho rằng, chỉ nên giữ các mức: "Tín nhiệm cao", "Tín nhiệm trung bình", "Tín nhiệm thấp", bỏ lựa chọn "chưa có ý kiến", vì đại biểu phải thể hiện chính kiến cũng như trách nhiệm thay mặt cử tri đưa ra quyết định. Thời điểm lấy phiếu là 2 năm một lần, vào kỳ họp đầu của năm thứ 2 và năm thứ 4 của nhiệm kỳ. Đồng thời đề nghị, Dự thảo Nghị quyết cần bổ sung cách thức xử lý đối với trường hợp người được lấy phiếu không đồng tình với kết quả đánh giá.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận: Lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm là việc quan trọng, do đó, trước mắt Quốc hội sẽ thí điểm ở các chức danh chủ chốt của Nhà nước, địa phương. Sau này, khi thực hiện hiệu quả sẽ mở rộng ra các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Nghị quyết sẽ tiếp tục được hoàn thiện và dự kiến thông qua vào ngày 21/11.

 
 

Không hoàn thành nhiệm vụ nên từ chức

Trao đổi với báo chí bên hành lang Kỳ họp Quốc hội, ĐB Trương Minh Hoàng (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) nhấn mạnh, cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ nên tự từ chức, trước khi bị xem xét, bỏ phiếu bất tín nhiệm. "Đây là việc cần, nhưng hiện nay chúng ta chưa có văn hóa từ chức. Dự thảo Nghị quyết quy định, sau hai lần lấy phiếu tín nhiệm đều thấp thì mới đưa ra bỏ phiếu bất tín nhiệm, tôi cho rằng không nên chờ đến hai lần xem xét, phải thực hiện sớm hơn. Ngay từ mức tín nhiệm lần đầu, nếu thấy thấp, phải tự rèn luyện, soi xét mình mà khắc phục. Trong quá trình hoạt động, nếu có một vài ý kiến cá nhân phê phán còn có thể nói là chưa chính xác, chứ nếu cả tập thể cùng bỏ phiếu tín nhiệm thấp thì rõ ràng cần phải tự xem lại" - ĐB Trương Minh Hoàng nhấn mạnh.