Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Y tế Hàn Quốc chao đảo do bác sĩ, y tá đình công hàng loạt

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần 100 bệnh viện đa khoa tại Hàn Quốc đã buộc phải hủy bỏ hoặc hoãn các thủ tục không cần thiết, hay từ chối các bệnh nhân không phải trường hợp cấp cứu.

Ghi nhận của Yonhap hôm 24/2 cho thấy hoạt động của hàng loạt bệnh viện lớn trên khắp Hàn Quốc tiếp tục bị gián đoạn, khi hàng nghìn bác sĩ thực tập sinh vẫn đình công trong ngày thứ năm liên tiếp để phản đối kế hoạch của chính phủ nhằm tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y.

Gần 100 bệnh viện đa khoa đã hủy bỏ hoặc hoãn các thủ tục không cần thiết và từ chối các bệnh nhân không cấp cứu, ưu tiên dịch vụ cho các trường hợp nghiêm trọng nhằm giảm thiểu áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống y tế.

Một bệnh nhân được chuyển đến phòng cấp cứu ở Seoul vào ngày 24/2 trong bối cảnh các bác sĩ thực tập sinh biểu tình phản đối kế hoạch của chính phủ nhằm tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y. Ảnh: Yonhap
Một bệnh nhân được chuyển đến phòng cấp cứu ở Seoul vào ngày 24/2 trong bối cảnh các bác sĩ thực tập sinh biểu tình phản đối kế hoạch của chính phủ nhằm tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y. Ảnh: Yonhap

Theo Bộ Y tế Hàn Quốc, tính đến tối ngày 22/2, gần 8.900, tương đương 78,5%, trong số 13.000 bác sĩ thực tập sinh từ 96 bệnh viện giảng dạy lớn ở Seoul và các nơi khác đã nộp đơn từ chức, trong đó 7.863 người trong số này hiện không đi làm.

Dự kiến sẽ có thêm nhiều bác sĩ cấp dưới tham gia cuộc đình công, gây lo ngại vì họ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các ca phẫu thuật và dịch vụ cấp cứu.

Bệnh viện Đại học Quốc gia Chungnam, nằm ở trung tâm thành phố Daejeon, đã từ chối một số bệnh nhân cần được chăm sóc cấp cứu hôm 24/2 do số lượng bác sĩ có sẵn hạn chế để xử lý các trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn như ngừng tim.

“Sáng nay, một cụ bà đã đến phòng cấp cứu một mình nhưng bệnh viện nói rằng họ hiện chỉ có thể tiếp nhận những bệnh nhân nguy kịch”, một nhân viên bệnh viện cho biết, đồng thời lưu ý rằng bệnh nhân sẽ được chuyển đến một bệnh viện nhỏ hơn gần đó.

Các bệnh viện đã phải vật lộn để duy trì hoạt động bằng cách tranh thủ sự giúp đỡ của các bác sĩ trong những chương trình nghiên cứu sinh, giáo sư và y tá để lấp đầy khoảng trống.

Kể từ khi nâng mức độ khủng hoảng dịch vụ chăm sóc sức khỏe lên mức “nghiêm trọng” cao nhất từ “thận trọng”, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã khuyên những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ nên đến các phòng khám thay vì bệnh viện đa khoa.

Bên cạnh đó, nhà chức trách cũng tạm thời mở rộng các dịch vụ y tế từ xa, chẳng hạn như tư vấn và kê đơn, tại tất cả các bệnh viện và phòng khám cho đến khi kết thúc đợt đình công.

Các dịch vụ y tế từ xa đã được cung cấp một phần kể từ năm 2020 sau đại dịch Covid-19 theo các quy định nghiêm ngặt.

Ngoài ra, các bệnh viện quân đội trên toàn quốc đã mở cửa hoàn toàn phòng cấp cứu cho người dân kể từ ngày 20/2 để giải quyết những lo ngại về sức khỏe cộng đồng đối với dịch vụ cấp cứu.

Các bác sĩ và sinh viên y khoa đã lên tiếng phản đối kế hoạch của chính phủ nhằm tiếp nhận thêm 2.000 sinh viên vào các trường y năm tới từ con số 3.058 hiện tại để giải quyết tình trạng thiếu hụt bác sĩ.

Chính phủ có kế hoạch khắc phục tình trạng thiếu hụt trên bằng cách dự kiến bổ sung thêm 15.000 bác sĩ vào năm 2035.

Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA), một nhóm vận động hành lang chính cho các bác sĩ, lập luận rằng hiện đã có đủ bác sĩ và việc tăng chỉ tiêu sinh viên y khoa sẽ dẫn đến chi phí y tế không cần thiết.

Hơn nữa, KMA lập luận rằng kế hoạch này không giải quyết được các vấn đề, chẳng hạn như tình trạng quá tải và thiếu động lực cho các bác sĩ chuyên về dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu, bao gồm nhi khoa, sản khoa và cấp cứu.

Ngược lại, chính phủ cho rằng nước này nên bắt đầu đào tạo thêm nhiều bác sĩ mới để giải quyết những thách thức do tình trạng dân số già đặt ra, trích dẫn ví dụ về các nước phát triển lớn khác đang phải đối mặt với tình trạng thiếu bác sĩ.

Theo các cơ quan y tế, số lượng bác sĩ ở Hàn Quốc so với quy mô dân số là thấp nhất trong các nước phát triển.

Bất chấp chính quyền liên tục cảnh báo về việc cảnh sát sẽ tiến hành điều tra hoặc thậm chí bắt giữ các bác sĩ tham gia đình công trong trường hợp bệnh nhân tử vong, KMA vẫn có kế hoạch tổ chức các cuộc biểu tình quy mô lớn ở Seoul vào hôm nay (25/2) và ngày 3/3 tới.

Trong một tuyên bố đưa ra vào cuối ngày 24/2, Hiệp hội Giáo sư Y khoa Hàn Quốc cho biết họ sẽ nỗ lực hết sức để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng y tế hiện tại và đóng vai trò là trọng tài trong các tranh chấp giữa chính phủ và nhóm bác sĩ để đạt được bước đột phá.

Đầu tuần này, Tổng thống Yoon Suk Yeol cho biết chính phủ sẽ không nhượng bộ trước hành động của các bác sĩ, khi đã từng xảy ra các vụ việc tương tự vào năm 2014 và 2020, thời điểm chính phủ không thể áp dụng dịch vụ y tế từ xa và tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y.

Một cuộc thăm dò gần đây của Gallop Korea cho thấy khoảng 76% số người được hỏi ủng hộ kế hoạch của chính phủ.