Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ý thức - nền tảng của văn hóa giao thông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thanh lịch là nét đẹp truyền thống lâu đời của người Hà Nội được thể hiện trong mọi hoạt động và ứng xử trong cuộc sống hàng ngày. Vậy, trong lĩnh vực giao thông, thế nào là người có văn hóa thanh lịch?

Văn hóa giao thông (VHGT) chính là biểu hiện một khía cạnh của văn hóa người Hà Nội. Mà người Hà Nội vẫn thường tự hào "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An" và "Nhất cao là núi Ba Vì. Nhất thanh, nhất lịch kinh kỳ Thăng Long".

Nghịch lý: Đô thị phát triển, ùn tắc không giảm

Sau 30 năm đổi mới, Thủ đô đã phát triển như Thánh Gióng vươn vai thành người khổng lồ. Từ 8/2008, TP điều chỉnh địa giới, diện tích tăng 3,5 lần, dân số tăng hơn 2 lần, nay đã gần 7 triệu người. Chưa kể còn hàng triệu sinh viên đại học, cao đẳng; dân lao động tự do, khách du lịch và người qua lại TP. Các phương tiện giao thông hàng năm tăng với cấp số nhân từ xe máy, xe đạp điện và ô tô.
Cảnh sát giao thông TP Hà Nội tuyên truyền nhắc nhở cho người dân về việc cần thiết phải đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi tham gia giao thông.     Ảnh: Phạm Hùng
Cảnh sát giao thông TP Hà Nội tuyên truyền nhắc nhở cho người dân về việc cần thiết phải đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi tham gia giao thông. Ảnh: Phạm Hùng
Đường phố được mở rộng, xây mới với hàng trăm con đường mới mở; các đường vành đai đã dần khép kín, thiết lập cầu vượt, hầm chui ở các điểm giao cắt quan trọng. TP đã phát triển nhiều tuyến giao thông công cộng bằng xe buýt, nhưng cũng chỉ phục vụ được khoảng 20% nhu cầu, mà hàng năm phải bù lỗ nhiều tỷ đồng cho các hãng xe. Vậy mà vào giờ cao điểm vẫn xảy ra ùn tắc cục bộ, hàng vạn con người phải mất thời gian chờ đợi, lãng phí hao tổn bao xăng dầu, môi trường thêm ô nhiễm. Một vấn đề nữa là phương tiện cứ tăng đều, còn đất cho giao thông tĩnh lại quá ít, dẫn đến các chủ xe gặp đâu đỗ đấy, bất kể là trên vỉa hè, hay dưới lòng đường. 

Hàng trăm năm trước, Hà Nội có tên Kẻ Chợ - một cái chợ lớn trên toàn TP. Bây giờ vẫn nguyên như thế, hầu hết các nhà mặt phố đều là cửa hàng buôn bán hoặc làm dịch vụ. Một nguồn lợi kinh tế không nhỏ, hàng năm đóng góp thuế đáng kể cho TP. Đã là cửa hàng là có khách ra vào mua bán, nếu cấm để xe trên vỉa hè trước nhà, khác nào bắt đóng cửa hiệu. Cái chính là phải nghiên cứu để hoạch định cho từng khu vực, tùy theo vỉa hè hẹp hay rộng mà quy định chỗ để xe, nhất thiết phải dành ra 1m -1,5m sát mép vỉa hè để dành cho người đi bộ. Đã có một số nơi thực hiện đạt hiệu quả mô hình này, sao chưa triển khai trên khắp các tuyến phố? Nhiều khu tập thể cũ 4 - 5 tầng, xây dựng từ lâu, đều không có hầm để xe, dân cư phải gửi ở sân trường; một số nhà ở tầng 1 dẹp gọn đồ đạc, chịu ở chật chội để làm chỗ gửi xe thu thêm mỗi tháng vài triệu đồng. 

Muôn kiểu vi phạm 

Sau cái nhìn chung tình hình, giờ, bạn hãy cầm camera hoặc smartphone cùng tôi dạo vài vòng trên các tuyến phố xem ý thức của người dân với VHGT ra sao!

Ngã tư, đèn đỏ báo hai chiều Nam - Bắc, các phương tiện dừng lại trước vạch sơn một dải dài, mỗi chiều hàng trăm xe các loại, thời gian chờ 90 giây, hầu hết các xe đều nổ máy. Trời nóng, hơi xăng dầu ngột ngạt. Bỗng một xe máy "kẹp ba" thanh niên, chỉ có người cầm lái đội mũ bảo hiểm không đúng chất lượng, ngó nghiêng không thấy bóng cảnh sát, rồ máy lao nhanh xe vọt bên trái đường tấp qua ngã tư, vừa vặn gặp một ô tô cũng với tốc độ cao ở đường giao nhau phóng ra tranh thủ khi đèn đỏ vừa bật. Điều gì đã xảy ra?

Theo dòng xe ta đi tiếp trên đường. Camera, smartphone luôn bật "on". Một bác xe máy với chiếc tủ lạnh 150 lít cao lênh khênh để sau xe không chằng buộc, chỉ một tay trái ngoặc giữ. Một chiếc xe nữa, hai công nhân áo xanh lam, người ngồi sau vác thang dài dựng người, à các anh thợ đi đọc công tơ điện! Một cô gái đèo một bà ngồi sau giương chiếc ô to che mát cho cả hai người, chiếc ô lung liêng, nếu cơn gió ào phía sau, chiếc ô úp xuống mặt người lái, điều gì sẽ xảy ra? Và kìa, không ít người đi mô tô, một tay cầm lái, một tay cầm điện thoại di động áp vào tai vẫn thản nhiên song song với các xe khách mà không sợ tai nạn đang rình rập bên mình.

Ngã tư Lê Duẩn - Khâm Thiên có biển cho phép rẽ trái từ đường Lê Duẩn vào phố Khâm Thiên, nhưng làm sao rẽ được vì mô tô, ô tô đi thẳng đã án ngữ chặn lối. Thôi đành đợi đèn xanh ta cùng đi cho vui! Theo đường Lê Duẩn xuôi xuống phía Nam, bên tay phải có đường sắt chạy song song, phía sau là các cửa hàng đồ gỗ, đồ khảm, đồ sứ…, người ta đã làm rào sắt chắn, chỉ mở ở một vài chỗ có ngõ ra, nhưng rào đã bị phá nhiều đoạn để đặt kệ gỗ cho xe máy ra vào… Đã bao lần xe lửa cán người đi ngang ở đấy?
 Người điều khiển phương tiện vi phạm ATGT khi rẽ trái tại cầu vượt Láng Hạ.  Ảnh:  Quỳnh Anh
Người điều khiển phương tiện vi phạm ATGT khi rẽ trái tại cầu vượt Láng Hạ. Ảnh: Quỳnh Anh
Và còn bao điều khác như, người đi bộ sang đường không chịu lên cầu vượt, ngại trèo lên xuống cứ tạt ngang bất chấp xe cộ qua lại rất đông. Để nhanh mươi phút đánh đổi lấy mạng người có nên không? Ở các phố ẩm thực, không chỉ có biển quảng cáo to nhỏ đặt dưới lòng đường mà còn bao ông bà chủ thuê nhân viên lôi xe, ép khách vào hàng mình. Rồi bao người qua ngã ba, ngã tư hoặc rẽ trái không giảm tốc độ, không quan sát phía trước, phía sau rất dễ xảy ra tai nạn bất ngờ. Còn bao các cô, các cậu choai choai chưa đủ tuổi đi xe máy, chưa có bằng lái được cha mẹ vô tư cho con lôi xe xuống đường đèo bạn rong chơi. Hoặc các em học sinh cấp hai đi xe máy điện, xe đạp điện đi học không đội mũ bảo hiểm, phóng xe với tốc độ 30 - 40km/h, làm sao không lo tai nạn? Người lớn có ý thức bảo vệ con em mình chưa? Hãy nhớ vì tương lai của thế hệ trẻ không thể nuông chiều con, hãy nhắc nhở và nghiêm khắc với con khi chưa xảy ra sự cố.

Mọi người dân cần hiểu văn hóa giao thông

Điều cuối cùng mà tôi muốn đề cập tới, là chính sách về giao thông của Việt Nam còn nhiều bất cập, chưa đi vào cuộc sống, việc tuyên truyền phổ biến chưa thật sâu rộng. Những ví dụ, không kiểm soát, ngăn chặn từ khâu sản xuất mũ bảo hiểm ngay khi có lệnh phải đội mũ đúng tiêu chuẩn, để hàng nhái, hàng không phải là mũ bảo hiểm phát triển tràn lan quá rộng rồi mới ra lệnh phạt, làm khó cho dân. Lệnh người đi xe máy điện phải đăng ký lấy biển số xe và có đủ giấy tờ hợp lệ đã có từ lâu, nhưng không phổ cập vào đời sống, dân mua xe tự do hàng chục năm mới thấy cơ quan chức năng ra lệnh phạt. Quyết định có hiệu lực cả tháng mà không một chiếc xe máy điện nào đến đăng ký lấy biển số. Họ không đủ giấy tờ quy định, họ không phân biệt được cái nào là xe điện, cái nào là xe đạp điện? Không lẽ hòa cả làng sao?

Đường ô tô thiết kế chỉ cho xe trọng tải thông thường, không để ý đến các xe cơi nới để tăng tải trọng gấp hai, ba lần, cùng các xe siêu trường, siêu trọng băm nát đường, làm đường lún sụt rồi mới thi hành lệnh cân tải trọng ở các tuyến quốc lộ. Xe quá tải phải dỡ xuống, bớt lại không có kho bãi chứa. Biết đường nào đặt cân, lái xe đi vòng lối khác hoặc chờ lúc nào trạm cân lơi lỏng thì vượt qua. Bao giờ mới chấm dứt được tình trạng đường vừa làm xong, mới thông xe đã lún, đã hằn vệt bánh xe?

Ý thức người dân nói chung, người tham gia giao thông nói riêng còn chưa hiểu pháp luật, nhất là bà con vùng ngoại thành, cho nên VHGT chưa phát huy tác dụng vào đời sống!.

Hãy làm cho mọi người hiểu được để tự mình vượt chính mình trong vấn đề VHGT.