Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Yêu cầu cấp thiết để giảm tỷ lệ gia công, lắp ráp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo một báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp, Bộ Công thương, hiện tại, cơ cấu công nghiệp nước ta đang mất cân đối lớn:

KTĐT - Theo một báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp, Bộ Công thương, hiện tại, cơ cấu công nghiệp nước ta đang mất cân đối lớn: Công nghiệp phát triển theo bề rộng, chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp của Việt Nam liên tục giảm; hàm lượng công nghệ trung – cao của hàng công nghiệp xuất khẩu thấp… Do đó, việc đẩy nhanh tái cơ cấu công nghiệp lúc này là hết sức cần thiết.

Trước hết, về giá trị gia tăng trong ngành công nghiệp, tại các tập đoàn lớn trên thế giới, cứ 100 doanh nghiệp (DN) trong một chuỗi tham gia chế tạo sản phẩm cuối cùng thì có khoảng 95 DN thực hiện các hoạt động thuộc khu vực hỗ trợ, chỉ có 5 DN lắp ráp - sản xuất sản phẩm cuối cùng. Trong khi đó, tỷ trọng DN ở Việt Nam tham gia vào khu vực hỗ trợ rất ít, chủ yếu sản xuất - lắp ráp. Cụ thể, trong lĩnh vực dệt may, có khoảng 2.000 DN nhưng mới chỉ có chừng 250 DN hỗ trợ. Tương tự, ngành cơ khí chế tạo, ngành điện tử gia dụng cũng chủ yếu dừng lại ở lắp ráp chứ chưa có nhiều DN sản xuất các sản phẩm phụ trợ. Bên cạnh đó, sự chuyển dịch cơ cấu các thành phần kinh tế trong ngành công nghiệp đã diễn ra theo chiều hướng: Công nghiệp quốc doanh có xu hướng giảm từ 34,16% năm 2000 xuống 16,5% năm 2008. Trong khi đó, công nghiệp ngoài quốc doanh lại có xu hướng tăng nhanh, năm 2000 chiếm tỷ trọng 24,55% đến năm 2008 tăng lên 33,1%, dự báo năm 2009 tăng lên khoảng 35%. Cơ cấu DN sử dụng công nghệ từ trung bình đến cao ở Việt Nam cũng rất nhỏ, với mức tương ứng là 24,6% và 25,4% trong 2 năm 2007 và 2008 (dự báo khoảng 27% trong năm 2009), thấp hơn nhiều so với mức hơn 60% ở Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc.

Một vấn đề khác đáng lưu tâm, đó là chủ trương hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh mặc dù đúng đắn nhưng do các thiết chế quản lý chưa đồng bộ nên việc “ghép cơ học” các DN lại đã tạo ra quy mô hình thức lớn là nguyên nhân làm cho khu vực này kém linh hoạt, kém hiệu quả hơn. Mặt khác, kiểu tổ chức sản xuất khép kín là đi ngược lại với xu hướng hội nhập và phân công chuyên môn hóa đã vô hình trung cản trở áp dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất. Đây có thể coi là một nguyên nhân đáng kể làm giảm giá trị giá tăng, hàm lượng công nghệ cao trong công nghiệp.

Để tái cơ cấu công nghiệp, T.S Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Chính sách công nghiệp cho rằng, cần được thực hiện theo hai hướng. Thứ nhất, thực hiện đồng bộ các chính sách từ thu hút đầu tư, chính sách tài chính tiền tệ, lao động tiền lương; tập trung cho việc khuyến khích các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, ít sử dụng tài nguyên năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm. Cần ban hành và công bố danh mục các ngành công nghiệp bị kiểm soát và hạn chế đầu tư, ngành công nghiệp được khuyến khích. Thứ hai, tập trung phát triển hệ thống công nghiệp hỗ trợ; thành lập các cơ quan đầu mối đủ mạnh để có chính sách, kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ một cách nhất quán, hiệu quả.

Nhà nước cần dành phần thoả đáng cho kích thích đào tạo nghề nhằm hạn chế tình trạng dư thừa lao động và chuẩn bị chiến lược sau khó khăn. Quan tâm xây dựng chính sách hỗ trợ về tài chính các chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao, bởi đây là sự hỗ trợ trực tiếp quan trọng cho sự đổi mới công nghệ sản xuất của các DN, đồng thời tạo ra lực lượng lao động chất lượng cao phục vụ cho các ngành công nghiệp có giá trị tăng thêm cao.

Khuyến khích hình thành hệ thống DN có trình độ công nghệ cao, tiếp nhận công nghệ hiện đại từ nước ngoài. Đây là hướng quan trọng nhất hiện nay để đổi mới và nâng tầm trình độ công nghệ của các DN công nghiệp trong nước. Để thực hiện mục tiêu này, phải có biện pháp ưu đãi về thuế và tín dụng để thu hút nguồn công nghệ này; ưu tiên tiếp nhận chuyển giao các công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường (không nhập khẩu công nghệ cũ, lạc hậu); thành lập trung tâm thông tin, tư vấn về khoa học công nghệ; lập cơ sở dữ liệu về công nghệ theo các nhóm ngành kinh tế - kỹ thuật để DN có thể lựa chọn công nghệ phù hợp.

Xác định, lựa chọn các đối tác chiến lược cho ngành, cho các DN. Tái cấu trúc mạnh mẽ khu vực DN nhà nước, trước hết là các tập đoàn kinh tế Nhà nước, bởi đây là khâu đột phá quan trọng, Liên kết các DN có vốn đầu tư nước ngoài với DN nội địa trong việc sản xuất các sản phẩm phụ trợ; hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của các chợ công nghệ làm cầu nối giữa các DN trong nước và nước ngoài.