KTĐT - Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải cho biết số liệu, trong 8 năm (2001 - 2008) tỉnh đã bê-tông hóa được 2.096 km đường. Đã có 96,6% số xã, 92,7% số thôn và 95,3% số hộ nông thôn được sử dụng điện.
Cho ý kiến về việc đầu tư xây dựng bổ sung các công trình (CT) đường ôtô đến trung tâm xã giai đoạn 2011 - 2015 của tỉnh Quảng Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu UBND tỉnh Quảng Nam phải rà soát nhu cầu đầu tư các CT đường đến trung tâm xã chưa có đường ôtô.
Cùng với đó, UBND tỉnh Quảng Nam phải làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải để tổng hợp vào danh mục dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2011 – 2015, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Riêng đối với các CT đường giao thông khác không nằm trong tiêu chí được sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, UBND tỉnh phải chủ động bố trí vốn ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để thực hiện.
Hiện nay, toàn tỉnh Quảng Nam có 66 xã nghèo, trong đó có 53 xã đặc biệt khó khăn; còn 29 xã chưa có đường ôtô đến trung tâm xã. Để thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, những năm qua, Quảng Nam đã quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trong nông nghiệp, nông thôn, trong đó chú ý việc xây dựng các tuyến đường ô tô đến trung tâm các xã.
Khu vực nông thôn Quảng Nam có 210 xã, chiếm 93,8% số xã, phường cả tỉnh (trong đó, có 115 xã thuộc diện xã miền núi) với 83% dân số sinh sống. |
Tính đến nay, tỉnh đã đầu tư trên 13.000 tỷ đồng để xây dựng đường giao thông, thủy lợi, trường học, y tế.... với trên 700 công trình hạ tầng vừa và nhỏ, các tuyến đường giao thông lên miền núi đã cơ bản được hoàn thành.
Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải cho biết số liệu, trong 8 năm (2001 - 2008) tỉnh đã bê-tông hóa được 2.096 km đường. Đã có 96,6% số xã, 92,7% số thôn và 95,3% số hộ nông thôn được sử dụng điện. Hệ thống thủy lợi bảo đảm nước tưới cho 85,6% diện tích gieo trồng lúa và 12.000 ha đất màu. Đã có 17 trung tâm cụm xã và 460 công trình thiết yếu được đầu tư ở miền núi từ nhiều nguồn vốn, đáp ứng một phần nhu cầu sản xuất và đời sống của đồng bào.
Đơn cử, huyện Tây Giang- một huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Nam, đến nay có 100% số xã và 59/70 thôn trên địa bàn huyện đã được sửa chữa hoặc mở rộng để có đường ô ô đến trung tâm xã, đến thôn.
Có thể thấy, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Quảng Nam đã có bước phát triển nhanh, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn.