Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Yếu và thiếu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lâu nay, chúng ta mới chỉ quan tâm đến cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông phục vụ người dân nói chung mà quên mất một nhóm đối tượng đặc biệt, đó là những người khuyết tật.

Thực tế, các công trình giao thông hỗ trợ việc đi lại của người khuyết tật ở Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung hiện còn rất thiếu và kém.

Cơ sở hạ tầng giao thông còn nhiều rào cản

Hầu hết, hệ thống giao thông công cộng hiện nay không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người khuyết tật. Cụ thể, các tòa nhà, vỉa hè, bến tàu xe, điểm dừng đỗ, trạm trung chuyển, nhà chờ, đường sang… có thiết kế biển chỉ dẫn, đường lên cho xe lăn, đường gờ nổi cho người khiếm thị còn rất hiếm, chỗ có thì công trình không đảm bảo tiêu chuẩn, thậm chí thiếu an toàn để người khuyết tật sử dụng. Các phương tiện công cộng như taxi, xe buýt, tàu hỏa, sàn lên xuống còn cao, thiếu chỗ vịn để người khuyết tật lên xuống. Nhiều phương tiện, công trình cửa hẹp, dốc rất khó cho xe lăn. Thực tế, người khuyết tật khi tham gia giao thông vẫn phải phụ thuộc hoàn toàn vào sự giúp đỡ của người thân. Đấy là chưa kể đến ý thức sẻ chia giúp đỡ, nhường nhịn người khuyết tật của đại bộ phận người dân còn kém, khiến việc tiếp cận giao thông của đối tượng này ngày càng khó.

 
Lối đi hiếm hoi dành cho người khuyết tật tại khu tái định cư Dịch Vọng, quận Cầu Giấy bị chiếm dụng thành nơi đỗ xe.Ảnh: Yên Chi
Lối đi hiếm hoi dành cho người khuyết tật tại khu tái định cư Dịch Vọng, quận Cầu Giấy bị chiếm dụng thành nơi đỗ xe.Ảnh: Yên Chi
Mới đây, Trung tâm Khuyết tật và Phát triển TP Hồ Chí Minh (DRD) phối hợp với một số các đơn vị tổ chức chương trình "Trải nghiệm xe lửa" cho người khuyết tật. 15 bạn trẻ khuyết tật được lựa chọn tham gia trải nghiệm đã không giấu nổi được sự háo hức, xúc động. Tuy đây là trải nghiệm khá thú vị của các bạn khuyết tật, song vẫn phải thừa nhận một thực tế là dù có sự giúp đỡ các tình nguyện viên thì việc tiếp cận của họ cũng còn rất khó khăn. "Bậc thang của tàu còn quá cao mà không có thiết bị hỗ trợ cho người khuyết tật. Việc đi vệ sinh cũng rất bất tiện" - Nguyễn Minh Hảo, sinh viên Học viện Bưu chính Viễn thông (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Phó cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam nhận xét: Hệ thống giao thông công cộng phù hợp với người khuyết tật đã được triển khai rộng rãi tại nhiều nước phát triển, song đối với Việt Nam vấn đề này vẫn chưa được quan tâm đúng mực. Các cơ quan chức năng nên đưa người tàn tật vào nhóm đối tượng cần phải được phục vụ và quan tâm của hệ thống giao thông công cộng.

Cải thiện để người khuyết tật được hòa nhập

Thực tế, từ năm 2009 việc tham gia giao thông của người khuyết tật đã được xã hội đặc biệt quan tâm. Bộ GTVT đã ban hành nhiều văn bản pháp quy triển khai hướng dẫn, giúp đỡ người khuyết tật tiếp cận với hệ thống giao thông như ưu tiên mua vé, miễn giảm giá vé, giá dịch vụ, tập huấn, nâng cao ý thức cho lái, phụ xe, nhân viên phục vụ ga tàu giúp đỡ người khuyết tật. Khuyến khích tổ chức, cá nhân quản lý, kinh doanh điểm dừng, đỗ, bến, nhà ga, kinh doanh vận tải hành khách bằng phương tiện giao thông công cộng tổ chức bộ phận, cổng thông tin để tiếp nhận phản ánh, hướng dẫn, trả lời và trợ giúp người khuyết tật tham gia giao thông bằng phương tiện công cộng. Phát động nghiên cứu, chế tạo sản xuất, thử nghiệm thiết bị, công cụ, phương tiện giao thông để người khuyết tật tham gia giao thông thuận tiện… và rất nhiều hình thức tuyên truyền hỗ trợ khác. Đặc biệt, triển khai cải tạo công trình một số tuyến phố, nhà chờ, bến đỗ, biển báo, chỉ dẫn… để người khuyết tật tiếp cận. Phía Bộ LĐTB&XH còn xây dựng cả đề án "Trợ giúp người khuyết tật tham gia giao thông giai đoạn 2012 - 2020", đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với mục tiêu từ 50 - 80% người khuyết tật có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận hoặc dịch vụ trợ giúp tương đương. 

Tuy nhiên, đến nay, việc triển khai thực hiện hỗ trợ người khuyết tật vẫn còn nhiều khoảng trống, mang tính cục bộ địa phương, nên để tiếp cận được với giao thông người khuyết tật sẽ phải tiếp tục chờ trong tương lai. Đã đến lúc các cấp, ngành nên quan tâm đến việc phát triển hạ tầng giao thông phục vụ người khuyết tật, bởi bên cạnh việc giúp họ hòa nhập cộng đồng còn giúp giảm thiểu UTGT tại các đô thị. Thực tế, cả nước hiện có 6,7 triệu người khuyết tật, chiếm khoảng 7,8% dân số. Mỗi khi họ cần ra đường thường phải có 1 - 2 người nhà đi cùng để giúp đỡ và chủ yếu dùng phương tiện giao thông cá nhân. Vô hình trung sẽ làm tăng mật độ giao thông trên đường gây thêm áp lực giao thông cho các đô thị lớn.

 
Ở nước ngoài đường dành cho người khuyết tật rất được quan tâm chú trọng. Cụ thể, tại Nhật Bản, hầu hết các vỉa hè đều được thiết kế vát để xe lăn lên xuống thuận tiện. Giữa vỉa hè có đường gờ cho người khiếm thị nhận biết hướng đi. Nhà ga có biển chỉ dẫn bằng chữ nổi. Thậm chí, nhiều nơi còn có thang máy dành riêng cho người khuyết tật. Ở Bắc Kinh (Trung Quốc), các cầu vượt qua đường đều được thiết kế dốc thoải, bậc thang thấp để người khuyết tật dễ sử dụng.

 
TS Đặng Minh Tân Giảng viên bộ môn Đường Bộ, trường ĐH GTVT