Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 khóa X: Bước chuyển mạnh mẽ của nông nghiệp, nông thôn

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 27/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cùng dự có Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, cùng đại diện nhiều bộ ngành T.Ư, lãnh đạo 63 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư.

Tại đầu cầu Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì, cùng dự có Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cùng đại diện các sở, ngành, địa phương, một số doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân tiêu biểu. 
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết "tam nông". Ảnh: VGP
Nhận thức vai trò to lớn của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 nhằm phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân. Ban Bí thư T.Ư khóa X đã thành lập Ban Chỉ đạo đề án “Chương trình thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa” giai đoạn 2018 – 2020; ban hành chỉ thị về thực hiện một số nhiệm vụ cấp thiết trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Sau khi sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 97-KL/TW ngày 9/5/2014 về một số chủ trương thực hiện Nghị quyết số 26-NQ-TW. Quốc hội cũng đã ban hành 31 Luật, 11 Nghị quyết liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 khóa X, Kết luận số 97-KL/TW.
Đã có 5 bộ, ngành ban hành chương trình hành động để thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ giao. Giai đoạn 2012 – 2015, Chính phủ đã triển khai thực hiện 6 Chương trình mục tiêu Quốc gia. Từ năm 2008 đến hết năm 2017, Chính phủ ban hành mới, sửa đổi 76 Nghị định, Nghị quyết; 48 quyết định về cơ chế chính sách liên quan tới nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đã triển khai Chương trình nghiên cứu khoa học phục vụ xây dựng nông thôn mới (2012 – 2020).
Thủ tướng Chính phủ cũng đã phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Các bộ ngành, địa phương cũng đã ban hành chương trình hành động, xây dựng và triển khai nhiều đề án thực hiện Nghị quyết…
 Thủ tướng cắt băng khai mạc Triển lãm quốc gia giới thiệu thành tựu 10 năm thực hiện nghị quyết "tam nông". Ảnh: VGP

Nông thôn xích gần thành thị
Trong 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 khóa X, tổng ngân sách Nhà nước đã đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là 1,17 triệu tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay ngành nông nghiệp, nông thôn cũng đạt khoảng 1,6 triệu tỷ đồng, chiếm 22% tổng dư nợ của toàn ngành kinh tế. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, nền nông nghiệp đã có nhiều tiến bộ cả về quy mô và trình độ sản xuất; tái cơ cấu ngành đúng hướng, đạt nhiều kết quả quan trọng, bảo đảm vũng chắc an ninh lương thực quốc gia, phục vụ xuất khẩu ngày càng tăng.
Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích năm 2017 đạt 90,1 triệu đồng/ha. Xuất khẩu nông sản năm 2017 đạt 36,5 tỷ USD, tăng 2,2 lần so với năm 2008. Giai đoạn 2008 – 2017, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân toàn ngành nông nghiệp đạt 2,66%/năm; năng suất lao động trong nông nghiệp cũng tăng 6,48%/năm.
Công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn phát triển nhanh, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn đã chuyển đổi tích cực. Giá trị sản xuất nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2008 – 2017 tăng bình quân 12,2%/năm. Xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào sâu rộng. Đến nay, cả nước có 3.595 xã (chiếm khoảng 40% tổng số xã cả nước) về đích nông thôn mới; đã có 43 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ trao bằng công nhận “Huyện nông thôn mới”.
Thu nhập bình quân đầu người nông dân đã tăng 3,49 lần, từ 9,15 triệu đồng (năm 2008) lên 32 triệu đồng (cuối năm 2017). Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn thu hẹp từ 2,1 lần năm 2008 còn 1,8 lần năm 2017. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân 1,5%/năm.
Cùng với cả nước, việc thực hiện quyết liệt Nghị quyết T.Ư 7 khóa X đã tạo chuyển biến tích cực cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn Thủ đô. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2017 đạt 41.741 tỷ đồng (tăng 207,3% so với năm 2008). Thu nhập bình quân đầu người dân khu vực nông thôn đạt 43,2 triệu đồng/người/năm, gấp 5,4 lần so với năm 2008. Tỷ lệ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 12,2% năm 2008 (theo chuẩn cũ) xuống còn 1,8% (đầu năm 2018). Đặc biệt, với 4/18 huyện, thị xã và 297/386 xã về đích nông thôn mới, Hà Nội được T.Ư đánh giá là địa phương đi đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới.
 Thủ tướng tham quan các gian hàng tại Triển lãm thành tựu 10 năm về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Hoàn thiện thể chế trong bối cảnh mới
Khẳng định tính đúng đắn, khoa học của Nghị quyết T.Ư 7 khóa X, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Nghị quyết đi vào cuộc sống đã làm chuyển mình nông nghiệp. Tổ chức sản xuất phù hợp hơn, đáp ứng yêu cầu hàng hóa lớn, nâng cao sức cạnh tranh. Qua đó, thay đổi diện mạo nông thôn nước nhà, đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận nông dân cũng được nâng lên.
Có được kết quả tích cực trên là nhờ cả hệ thống chính trị đã vào cuộc mạnh mẽ. Thể chế chính sách pháp luật đang ngày càng hoàn thiện. Nông dân ngày càng phát huy được vai trò chủ thể. Nghị quyết thay đổi nhận thức và nhận được ủng hộ lớn của các tầng lớp Nhân dân. Đặc biệt là đã đã thu hút được nguồn lực đầu tư mạnh mẽ từ các DN trong nước, quốc tế phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra một số vấn đề cần lưu ý. Đầu tư cho nông nghiệp còn thấp. Số DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn mới chiếm 1% tổng DN đang hoạt động tại Việt Nam. Tỷ lệ lao động nông thôn chiếm tỷ trọng lớn, nhưng đóng góp giá trị kinh tế vẫn còn hạn chế. Tình trạng tín dụng đen vẫn tồn tại ở những vùng nông thôn, nơi người dân gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn. Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất còn yếu.
Công nghệ bảo quản chế biến hạn chế, nông sản Việt Nam hiện vẫn chủ yếu xuất khẩu thô. Việc xây dựng nông nghiệp công nghệ cao chưa tạo được đột phá. Tình trạng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật còn khó kiểm soát. Đây là vấn đề mà các địa phương cần lưu ý, kiểm soát chặt chẽ, nghiêm trị các đối tượng tham gia sản xuất, buôn bán, lưu hành trái phép phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả. Chỉ xét trong khu vực Đông Nam Á, việc xây dựng thương hiệu cũng còn thua kém…
Đồng ý với đề xuất quan điểm, mục tiêu của Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết T.Ư 7 khóa X, Thủ tướng cho rằng, giải quyết vấn đề “tam nông” là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị. Ở đó tình thần của người nông dân cần được nâng cao hơn, không trông chờ, ỷ lại. Nông dân phải có tinh thần năng động, sáng tạo, tự lực, tự cường vươn lên. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Nông dân ta giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Chính vì vậy, phát triển nông nghiệp, nông thôn phải lấy người nông dân làm chủ thể.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục đổi mới tư duy, tạo đột phá hơn nữa cho nông nghiệp, nông thôn. Cùng nông dân, sống cùng nông dân để thực hiện cuộc cách mạng mới. Tiếp tục phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội. Kinh nghiệm rút ra sau 30 năm đổi mới là ở đâu các cấp ủy Đảng chính quyền quan tâm thì ở đó nông nghiệp phát triển tiến bộ, nông thôn đổi mới, đời sống nông dân được nâng cao. Đồng thời, phải chuyển từ tư duy nông nghiệp đơn thuần sang kinh tế nông nghiệp và chủ động hội nhập.

Nhấn mạnh thế giới đang chuyển mình, châu Á đang cạnh tranh gay gắt nhất là ở hệ thống bán lẻ,
Thủ tướng cho rằng, Việt Nam phải sớm khắc phục những tồn tại yếu kém trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhận diện những cơ hội đan xen thách thức. Khắc phục hình thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún trong sản xuất nông nghiệp, chuyển sang sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao, gắn với an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, hướng tới phục vụ xuất khẩu. Thủ tướng cũng lưu ý sản xuất hữu cơ, sạch là rất quan trọng và cần được quán triệt sâu rộng.
Thủ tướng cũng cho rằng đi liền với phát triển nông nghiệp, nông thôn là nguồn vốn, do đó Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tiếp tục có những ưu tiên cho vay phát triển trong lĩnh vực này. Đồng thời, đề nghị các bộ ngành, các địa phương tiếp tục rà soát, cải cách, tinh giản thủ tục hành chính để thu hút ngày một nhiều hơn sự tham gia của các tầng lớp đầu tư vào phát triển nông nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp. “Nếu không có sự tham gia của các doanh nghiệp, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ khó có thể thành công…” – Thủ tướng nói.
Trong bối cảnh mới, Thủ tướng lưu ý cần gắn giải pháp thúc đẩy phát triển với ứng phó thiên tai, bảo vệ môi trường. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên cơ sở bảo đảm an ninh lương thực. Đặc biệt, cần rà soát, tính toán, triển khai các giải pháp quản lý chặt chẽ, phát triển bền vững diện tích rừng hiện có, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm đồ gỗ, nội thất của thế giới.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Kinh tế T.Ư, các bộ ngành tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của các đại biểu, sớm trình tập thể Bộ Chính trị nghiên cứu, xem xét, tiến tới ban hành Nghị quyết nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ trương, các giải pháp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong bối cảnh mới.