Là người may mắn được học ở môi trường và thầy cô giáo tốt, làm NCKH từ rất sớm, GS Ngô Bảo Châu đúc rút và chia sẻ 10 quy trình NCKH với hơn 500 nhà khoa học trẻ, SV các chương trình chiến lược của ĐHQG Hà Nội.
GS Ngô Bảo Châu (giữa) tại buổi tọa đàm.
Bao gồm, thứ nhất là xác định phạm vi, lĩnh vực nghiên cứu. Thứ hai, xác định vấn đề nghiên cứu. Theo đó tìm ra câu hỏi ban đầu là chốt quan trọng. Thứ ba, cập nhật thông tin bằng việc tìm 1 cuốn sách và 10-20 bài báo xuất hiện trong 2-3 năm gần đây có liên quan đến vấn đề đặt ra, trong đó có 5 bài báo kinh điển. Ở quy trình này, GS Châu cho rằng bước quan trọng là nên có một nhóm bạn/đồng nghiệp tham gia theo hướng tự nguyện phi vụ lợi, cùng người nghiên cứu khám phá vấn đề mới sẽ tạo nên môi trường NCKH và gắn kết mọi người với nhau. Thứ tư, xác định hướng giải quyết vấn đề, gồm lập kế hoạch về nhân sự, tài chính bằng việc sử dụng phương pháp đương đại. Ở bước này rất cần sự minh bạch trong việc hợp tác số người cùng NCKH ngay từ đầu. Thứ năm, tự lập kế hoạch trong đó tiên lượng trước thời gian cho phép thực hiện cũng như lường trước khó khăn. Thứ sáu, gói lại công việc gồm làm rõ những gì đã làm được, kể cả các việc chưa làm được, để nó sẽ là tiền đề cho công trình nghiên cứu tiếp theo. Thứ bảy, viết bài báo. Theo kinh nghiệm của GS Châu, nên chọn 3 bài báo và chép lại bằng tay từ đầu đến cuối sẽ biết được điểm chung của công trình NCKH có điểm chung gồm phần dẫn luận, chương 1, chương 2…Thứ tám, luân chuyển bài báo đến các đồng nghiệp cho ý kiến, rồi trình bày trước hội đồng khoa học. Thứ chín, chỉnh sửa bài báo theo góp ý của hội đồng. Thứ mười, gửi bài báo cho tạp chí. Ở quy trình này, GS Châu đưa ra lời khuyên, nên chọn ban biên tập có quan tâm và thực sự hiểu đề tài mình thực hiện. Không nên vì bài báo của mình phù hợp được dùng ở tạp chí được xếp hạng số 10 nhưng lại gửi ở tạp chí số 3 như thế sẽ mất công và mất thời gian.
Cùng với 10 quy trình, 3 phẩm chất của công trình NCKH được GS Ngô Bảo Châu đúc kết đó là đúng và trung thực; mới; hay, quan trọng. Trong phẩm chất mới, điều quan trọng nhất là kết quả mới và tiếp đó là phương pháp mới. Phương pháp mới được đánh giá cao khi nó tìm ra được kết quả mới. Theo GS Châu, điều quan trọng đối với người làm nghiên cứu khoa học đó là sự liêm chính.
Tại buổi tọa đàm này, chia sẻ về công tác NCKH, GS Nguyễn Hữu Đức-Phó Giám đốc ĐHQGHN cho biết, ĐHQG Hà Nội phát triển thành ĐH nghiên cứu từ 20 năm trước. Thế nhưng hiện nay việc xác định lại phát triển thành ĐH nghiên cứu là cấp bách hơn lúc nào hết. ĐHQG Hà Nội xác định NCKH là nền tảng, là động lực vì khi thực hiện tốt sẽ giúp các giảng viên, nhà khoa học nâng cao trình độ và chất lượng đào tạo. Đồng thời cung cấp nhiều sản phẩm cho cộng đồng và phục vụ xã hội.