Tính đến ngày 15/3, 3 tháng kể từ khi dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Covid-19 khởi phát, số ca nhiễm trên toàn cầu đã vượt 150.000 người, trong số này có 5.720 trường hợp tử vong.
Với tâm chấn khởi phát là tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, bệnh dịch đã lan rộng ra tới 141 quốc gia và vùng lãnh thổ. Gần nửa đêm ngày 11/3 giờ Việt Nam vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới ra tuyên bố sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 là đại dịch. “Đại dịch” này có thể đem đến những hệ lụy như thế nào cho nền kinh tế toàn cầu?
“Công nghiệp không khói” - lĩnh vực hứng đòn mạnh
Trước những chính sách như cấm xuất nhập cảnh và lo sợ trước dịch bệnh, du lịch trở thành ngành “đầu sóng ngọn gió” trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới kêu gọi chính phủ các nước cắt giảm thuế du lịch, đơn giản hóa thị thực và đưa ra các ưu đãi ngay khi dịch bệnh được kiểm soát. Cơ quan này dự báo dịch Covid-19 có thể đe dọa tới 50 triệu việc làm trong ngành du lịch và lữ hành toàn cầu.
|
Thiếu thốn vật tư y tế là tình trạng tại một số quốc gia có lượng lớn bệnh nhân nhiễm Covid-19 |
Các hãng hàng không và công ty khai thác tour đang quay cuồng với lệnh cấm đi lại mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt đến phần lớn châu Âu hôm 12/3. Các công ty trên toàn thế giới đóng băng tuyển dụng mới, tạm ngừng tiền thưởng điều hành và cho nhân viên nghỉ phép không lương do nhu cầu du lịch giảm. Đây là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với dự báo doanh thu vận tải hàng không quốc tế giảm 113 tỷ USD và sẽ còn tệ hơn do những hạn chế đi lại. Hãng United dự báo doanh thu sẽ giảm 70% trong tháng 4 và 5, 60% trong tháng 6. Các khách sạn Mỹ tuần qua có mức doanh thu âm 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình trạng này được dự báo sẽ còn tiếp diễn nhưng sẽ phục hồi nhanh khi dịch đi qua.
Dịch bệnh Covid-19 cũng làm chấn động ngành vận tải thủy. Princess Cruises - nhà điều hành hai tàu biển đã bị cách ly - cho biết tất cả 18 tàu của họ sẽ tạm dừng các chuyến đi trong hai tháng tới. Việc hủy vé, hủy chuyến đã tăng vọt sau khi dịch Covid-19 bùng phát.
Cổ phiếu của Carnival Corp, công ty mẹ của Princess Cruises, giảm 18%, tức khoảng một nửa giá trị kể từ đầu năm. Viking Line của Phần Lan cũng đã tạm dừng hoạt động tàu sông và tàu biển trên khắp thế giới. Và đó không phải là tất cả. Các điểm nóng và sự kiện du lịch cũng đang bắt đầu đóng cửa, bao gồm các công viên giải trí Disneyland ở hai bang California và Florida.
Nepal đã đóng cửa các đỉnh núi tại dãy Himalaya - bao gồm cả đỉnh Everest, ngừng hoạt động leo núi vì lo ngại về sự bùng phát dịch Covid-19. Đây sẽ là đòn giáng nặng nề đến kinh tế của Nepal. Với 8 đỉnh núi cao nhất thế giới, Nepal sẽ mất nguồn thu từ việc cấp giấy phép cũng như thu nhập của các cơ quan, hướng dẫn viên người Sherpa và nhiều người khác.
Trước đó, tạp chí The Economist cũng dự báo ngành du lịch thế giới mất 80 tỷ USD vì vắng khách Trung Quốc. Đông Nam Á được dự báo sẽ thiệt hại nặng nhất với khoảng 7 tỷ USD.
Hai “ông lớn” lao đao
Theo Bloomberg Economics, dịch bệnh có thể khiến nền kinh tế toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng, với suy thoái ở Mỹ, khu vực đồng euro và Nhật Bản, GDP Trung Quốc thấp kỷ lục và tổn thất lên đến 2.700 tỷ USD (tương đương GDP Anh quốc).
Đây là một trong những viễn cảnh tồi tệ nhất mà trang báo đưa ra dựa trên tình trạng ở Trung Quốc, số ca nhiễm tại các nước, nguy cơ đối với hệ thống cung ứng toàn cầu và mô hình kinh tế toàn cầu.
Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để kích hoạt các biện pháp và gói giải pháp ứng phó với dịch Covid-19, báo chí Mỹ đã có nhiều bài viết về ảnh hưởng của COVID-19 đến nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Thời báo Los Angeles trích dẫn dự báo của Đại học California Los Angeles công bố cho biết tăng trưởng của bang California, nền kinh tế hàng đầu nước Mỹ, sẽ sụt giảm trong năm nay do tác động của COVID-19.
|
Kinh tế Mỹ và Trung Quốc dự kiến ảnh hưởng nặng nề, kéo theo kinh tế toàn cầu do virus Covid-19 |
Bài viết cũng cho biết tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý III và IV năm nay sẽ giảm còn 1,3% và 0,6% so với mức trên 2% được dự báo trước đó. Nhưng COVID-19 sẽ không dẫn đến tình trạng suy thoái kinh tế. Trong khi đó, một số nhà kinh tế cho rằng khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong quý II và III năm nay là 50%.
Theo số liệu của World Bank, năm 2003 khi dịch SARS bùng phát, GDP của Trung Quốc chỉ ở con số khiêm tốn 1.600 tỉ USD, đến năm 2018 con số đó đã lên đến 13.600 tỷ USD, chiếm đến 17% GDP toàn cầu và 30% sản lượng thế giới. Trong thời buổi toàn cầu hóa, nền kinh tế của các nước đều đan xen và phụ thuộc lẫn nhau, nên việc xáo trộn kinh tế của một quốc gia được mệnh danh là “công xưởng của thế giới” sẽ kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phần còn lại của thế giới.
Các hãng tư vấn tài chính lớn đã tiến hành các nghiên cứu về ảnh hưởng của dịch virus Corona chủng mới đến nền kinh tế thế giới. Tờ báo tài chính uy tín Forbes đã trích dẫn số liệu của bản nghiên cứu “The Coronavirus Outbreak and Its Impact on The Global Economy” của hãng Frost & Sullivan. Các tính toán - dựa trên kịch bản tương đối lạc quan là dịch Corona chủng mới sẽ được kiềm chế vào tháng 3.2020, sẽ làm giảm mức tăng trưởng của kinh tế thế giới xuống còn 3,1% và của Trung Quốc là 5,4%.
Tương lai khó đoán
Tờ Financial Post (FP) dẫn lời nhà kinh tế David Rosenberg – người từng "chiến đấu" trên mặt trận Phố Wall trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khẳng định “đây là một trận chiến khác” khi có lo ngại bóng ma hơn 10 năm trước sẽ lặp lại. Rosenberg đã tận mắt chứng kiến các tên tuổi khổng lồ như Merrill Lynch, Lehman Brothers Holdings Inc, Bear Stearns Companies Inc... sụp đổ trong giai đoạn đó. Cuộc khủng hoảng đã đẩy cả hệ thống tài chính của Mỹ vào tình cảnh hiểm nghèo.
Với tình hình hiện giờ, ông Rosenberg lắc đầu trước ý nghĩ so sánh trận chiến năm nào với cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 đang và sắp gây ra, đơn giản vì ông cho rằng lần này tình hình xấu hơn nhiều. “Chúng ta đang nói về một nỗi sợ hữu hình khiến mọi người rút khỏi hoạt động kinh tế... Khủng hoảng tài chính đâu có đi kèm tỉ lệ tử vong", nhà kinh tế trưởng của Hãng tư vấn Rosenberg Research and Associates Inc., giải thích nỗi lo.
FP cũng nhận định, chỉ trong có vài tuần, các nhà kinh tế Canada và Mỹ từ chỗ không tin vào nguy cơ suy thoái, đã nhanh chóng chuyển sang thảo luận mức độ thiệt hại do cơn địa chấn Covid-19 gây ra. Hàng loạt ngân hàng của Canada như Scotiabank, Canadian Imperial Bank of Commerce (CIBC) và Royal Bank of Canada (RBC) đều dự báo nguy cơ khủng hoảng tài chính là rất lớn.
Lần gần nhất mà hàng loạt thị trường chứng khoán "tắm máu", còn ngân hàng trung ương các nước hối hả tung biện pháp giải cứu nền kinh tế... là bao giờ? Không khó để các nhà quản lý và chuyên gia liên tưởng.
Trong tuần này, chủ tịch Ngân hàng T.Ư châu Âu, bà Christine Lagarde, liên tục cảnh báo về việc châu Âu sẽ rơi vào tình cảnh tương tự cuộc khủng hoảng 2008 nếu các chính phủ không bắt tay ngăn chặn. Thống đốc Ngân hàng Anh Mark Carney thì mô tả rằng cú sốc lần này “sẽ rất khác|”.
Theo ông Brian Kingston - phó chủ tịch chính sách của Hội đồng Kinh doanh Canada, ngành nhà hàng, khách sạn, vận tải hành khách, du lịch... là các lĩnh vực tiếp tục chịu tác động trực tiếp từ dịch bệnh. "Nhưng nếu tình hình leo thang đến mức mọi người được khuyến nghị hạn chế ra khỏi nhà, nó sẽ thành một câu chuyện tiêu dùng với các ảnh hưởng lớn hơn. Nếu các gia đình ngưng chi tiêu, cửa hàng, quán ăn sẽ điêu đứng, rồi các khoản tiêu dùng lớn khác cũng ảnh hưởng theo, ví dụ như bất động sản. Nếu doanh nghiệp sa thải hoặc cho nhân viên tạm nghỉ, thu nhập người dân sẽ giảm...", ông Kingston giải thích về chuỗi hệ quả mang tính ảnh hưởng domino.
"Bầu không khí hoảng loạn xung quanh con virus là một phần lý do (của tác động). Chúng ta đang ở trong một hoàn cảnh bất định. Giới đầu tư đang tính toán khả năng nền kinh tế Mỹ phải ngừng toàn bộ", nhà kinh tế Brian Wesbury mô tả.