Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

109 người chết và mất tích do thiên tai tại miền núi phía Bắc

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 1/6, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (PCTT) tổ chức hội nghị Phòng, chống thiên tai khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc từ Hà Tĩnh trở ra.

Toàn cảnh hội nghị PCTT khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc sáng 1/6.
Thông tin tại hội nghị, ông Văn Phú Chính - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT cho biết, trong năm 2016, khu vực miền núi phía Bắc từ Hà Tĩnh trở ra chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của 24 đợt rét đậm, rét hại; 4 trận mưa bão gây lũ quét, sạt lở đất, cùng với đó là các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông tố, lốc xoáy, mưa đá, vòi rồng…
Thiên tai xảy ra trên địa bàn 18 tỉnh khu vực phía Bắc đã khiến ít nhất 109 người chết và mất tích; 937 nhà dân bị sập đổ, cuốn trôi; 44.222 ngôi nhà bị ngập. Nông nghiệp cũng chịu thiệt hại lớn do thiên tai với trên 134.000ha lúa và hoa màu suy giảm năng suất, cùng với gần 161.000 con gia súc, gia cầm bị chết hoặc bị nước lũ cuốn trôi. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra đối với riêng 18 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc ước tính trên 5.800 tỷ đồng.
Ngay trong và sau các trận thiên tai, Chính phủ, Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT và các bộ ngành, các địa phương đã tích cực triển khai công tác khắc phục hậu quả. Chính phủ đã bố trí trên 340 tỷ đồng cho 12/18 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc để khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu. Xuất cấp (không thu tiền) 716 tấn lúa giống, 200 tấn ngô giống và 33 tấn hạt giống rau các loại. Đồng thời, hỗ trợ 17.140 tấn gạo cứu đói giáp hạt và sau thiên tai cho người dân các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề… 
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, thiệt hại về người và tài sản tại các tỉnh miền núi nói chung và khu vực phía Bắc nói riêng là thách thức đã nhiều năm qua, nhưng chưa thể giải quyết triệt để. Trên cơ sở nhận định diễn biến thời tiết, thiên tai năm 2017, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đề nghị các đơn vị liên quan tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp. Trọng tâm là nâng cao chất lượng dự báo khí tượng thủy văn và cảnh báo, truyền tin về thiên tai, đặc biệt là mưa lũ. Đẩy mạnh lồng ghép nội dung PCTT vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội của các địa phương.
Tập trung triển khai công tác khảo sát, đánh giá, phân vùng đến cấp xã, thôn, khu dân cư về rủi ro của lũ quét, sạt lở đất. Xây dựng mô hình “Cộng đồng an toàn” gắn với thực hiện tiêu chí PCTT tại chỗ. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững với mục tiêu nâng cao độ che phủ trong năm 2017 lên con số 51,3%. Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình bố trí dân cư giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng năm 2025, nhằm bảo đảm an toàn về nơi cư trú cho cư dân vùng ảnh hưởng thiên tai.