Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

2016 - Năm chấn động của thế giới

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2016 đánh dấu nhiều sự kiện bất ngờ xảy ra trên thế giới, vẽ lại cục diện chính trị toàn cầu, đồng thời phát đi những dự báo khó lường trong tương lai.

Bất ngờ nối tiếp bất ngờ
2016 là năm xảy ra nhiều biến động bất ngờ với chính trường thế giới. Trong đó, chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ là điều bất ngờ nhất, và dự kiến sẽ đem đến những diễn biến khó lường cho thế giới vào năm 2017.
 Chiến thắng của ông Trump đại diện cho một năm 2016 đầy bất ngờ.
Trước ngày bầu cử 8/11, các cuộc thăm dò đều cho thấy ông “trùm” bất động sản New York bị đối thủ của đảng Dân chủ Hillary Clinton bỏ xa. Tuy nhiên, trái với dự đoán, ông Trump đã chiến thắng với tỷ lệ cách biệt lớn. Với thông điệp “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, ông Donald Trump phản đối các hiệp định thương mại tự do, chủ trương bảo hộ kinh tế. Chiến thắng của ông được dự báo là dấu chấm hết đối với các hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một trong những di sản trong sự nghiệp chính trị của Tổng thống Obama.
Sự kiện Anh rời Liên minh châu Âu (EU) - hay còn gọi là Brexit cũng được xem như một cú shock với thế giới trong năm nay.  Năm 2013, ông Cameron đưa ra ý tưởng về một cuộc trưng cầu dân ý về Brexit nhằm thu phục sự bất đồng trong nội bộ đảng Bảo thủ cũng như thu hút cử tri trong cuộc bầu cử năm 2015. Tuy nhiên, ông Cameron không ngờ rằng, đây lại trở thành một “canh bạc” đen đủi, không những đưa nước Anh ra khỏi EU mà còn buộc ông phải “mất ghế”.
6 tháng sau, cựu Thủ tướng Italia Matteo Renzi cũng từ chức sau cuộc trưng cầu dân ý sửa đổi Hiến pháp, báo hiệu giai đoạn bất ổn trên chính trường Italia và cuộc khủng hoảng trong hệ thống đồng tiền chung Eurozone. Nhất là trong bối cảnh nhóm dân túy Phong trào Năm Sao tại Italia mạnh lên trong cuộc bầu cử tuyên bố muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc Italy có nên tiếp tục ở lại trong Eurozone. Các sự kiện này đã khiến đời sống chính trị quốc tế rẽ sang một hướng khác, hình thành một bức tranh đầy biến động trên đời sống chính trị quốc tế.
Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy 
Việc ông Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa của sự kiện riêng lẻ mà thực chất nằm trong làn sóng dân túy đang trỗi dậy trên toàn cầu. Chiến thắng của ông Trump, xét cho cùng, đến từ những người dân Mỹ đang bức xúc với cuộc khủng hoảng di cư, cảm thấy bất an từ sự cạnh tranh trong việc làm - là kết quả của quá trình hội nhập sâu rộng. Vì vậy, người dân Mỹ quyết định bỏ phiếu cho ứng cử viên có chính sách phát triển nền kinh tế, bảo vệ cho công ăn việc làm của họ.
Làn sóng này không chỉ diễn ra ở nước Mỹ mà còn trỗi dậy ở nhiều quốc gia khác. Tại Pháp, đảng Mặt trận quốc gia (FN), được biết đến với chính sách chống di cư, đạt được bước tiến trong cuộc bầu cử địa phương vòng đầu tiên. Thắng lợi của đảng này phần nào phản ánh sự bế tắc và mất lòng tin của người dân vào các chính sách điều hành của chính quyền đương nhiệm trước nỗi lo khủng bố và cuộc khủng hoảng di cư và các quốc gia châu Âu phải đối mặt. Không chỉ cam kết bảo vệ nước Pháp khỏi cuộc khủng khoảng di cư, bà Marine Le Pen - ứng viên Tổng thống của đảng cũng tuyên bố thi hành một chính sách độc lập, thoát khỏi sự lệ thuộc vào EU. Vừa qua, bà Le Pen cũng tuyên bố, sẽ rút khỏi khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nếu đắc cử Tổng thống.
Còn tại Đức - đầu tàu kinh tế châu Âu, sự ủng hộ với bà Merkel đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau một loạt vụ tấn công có liên quan đến người di cư theo đạo Hồi. Tỷ lệ ủng bộ đối với đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà Merkel đã sụt khoảng 10% so với năm ngoái, hiện chỉ còn 33%. Bên cạnh đó, đảng cựu hữu có xu hướng bài ngoại sự lựa chọn cho nước Đức (AfD) có khả năng vào Quốc hội lần đầu tiên trong năm tới. Trong năm tới, các nhà bình luận dự đoán thế giới tiếp tục chứng kiến sự lên ngôi của phong trào dân túy qua những cuộc bầu cử ở Hà Lan, Áo, Đức và Pháp.
Việc các quốc gia “co cụm” lại, đặt lợi ích quốc gia lớn hơn nghĩa vụ quốc tế là một tín hiệu đáng báo động về khả năng tan rã của các liên minh và hạn chế sự hội nhập trên thế giới. Nguyên nhân chính xác của làn sóng dân túy khác biệt ở từng quốc gia nhưng vẫn có những điểm tương đồng chung. Đó là sự lo lắng về nhập cư gia tăng, sự mất kiểm soát của luật lệ và trật tự và các thỏa thuận thương mại ảnh hưởng đến việc làm trong nước. "Xu hướng như vậy đang dần phổ biến" - Giám đốc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR) Mark Leonard đánh giá.
Nga giành lại vị thế của “ông lớn”
Sau một thời gian bị cô lập và cấm vận bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước đồng minh phương Tây, nước Nga, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Nga Putin đã tạo dựng lại vị thế “ông lớn” trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế.
 Tổng thống Nga Putin đã ghi thêm "bàn thắng" tại Syria.
Bằng việc tham chiến ở Syria và hỗ trợ quân đội chính phủ chiến thắng trước phe đối lập tại TP bị chiếm đóng Aleppo, Moscow chứng minh, cuộc cạnh tranh gia tăng ảnh hưởng giữa Nga - Mỹ tại Trung Đông đã gần như khép lại với phần thắng nghiêng về Moscow. Sự thất bại này sẽ khiến tầm ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Trung Đông dưới thời ông Donald Trump cầm quyền ít nhiều bị suy giảm. Tuy nhiên, với việc bản thân Tổng thống đắc cử Donald Trump không “mặn mà” với việc tham gia vào các vấn đề thế giới mà muốn tập trung đối nội, Washington rất có thể sẽ "nhường sân", mở đường cho sự trở lại mạnh mẽ của Moscow với tư cách là người dẫn dắt lối chơi tại Trung Đông, vai trò mà từ sau năm 1991 đã bị mai một.
Trong lĩnh vực kinh tế, ông James Goldgeyera - Trưởng khoa Dịch vụ quốc tế, Đại học Washington, nhận định, nhiều nước đã có xu hướng rời bỏ chính sách cứng rắn đối đầu với Nga. Vừa qua, Hy Lạp, Italia, Hungary, Slovakia và Síp liên tục gia tăng sức ép để giảm bớt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow.
Trung Quốc chưa từ bỏ tham vọng ở Biển Đông
Ngày 12/7, Tòa Trọng tài (PCA) tại The Hague (Hà Lan) đã ra phán quyết vụ kiện của Phillipines đối với các tuyên bố chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông. Tòa PCA đã bác bỏ “quyền lịch sử” của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Tuy nhiên, Bắc Kinh tuyên bố không chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài và tiếp tục có các động thái leo thang căng thẳng.
 Hình ảnh vệ tinh cho thấy, Trung Quốc có thể đưa vũ khí ra các thực thể ở Biển Đông.
Trong năm 2016, Trung Quốc đã tăng tốc độ cải tạo trái phép các rạn san hô và các thực thể trong khu vực. Ngày 10/8, Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và Chiến lược (CSIS) công bố hàng loạt ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang ngang ngược xây dựng kho chứa máy bay ở Vành Khăn, đá Su Bi và đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong tháng 12, Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) cũng đưa ra các hình ảnh cho thấy, Trung Quốc dường như đặt hệ thống phòng không và chống tên lửa trên tất cả 7 đảo nhân tạo nước này xây dựng phi pháp ở Biển Đông. Từ ảnh vệ tinh, đá Tư Nghĩa và Gaven cho thấy các thiết bị mà Bắc Kinh đưa ra có khả năng là súng phòng không và hệ thống vũ khí tầm gần, còn các tòa tháp có khả năng chứa radar nhắm mục tiêu xuất hiện trên đá Chữ Thập.
Box: Ông Trump đại diện cho chủ nghĩa dân túy đang trỗi dậy trên thế giới. Chiến thắng của Trump chứng tỏ, mọi điều có thể xảy ra.
Ông Oscar Vidarte, nhà khoa học chính trị tại trường Pontifical Catholic University, Peru

Box 2: Phương Tây đã buộc phải thừa nhận thực tế nước Nga có vai trò của riêng mình trên bản đồ thế giới.

Ông James Goldgeyera - Đại học Washington