Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

2020 - Việt Nam đã hoàn thành vai trò kép

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những tưởng năm 2020 là một năm “khó” với ngoại giao Việt Nam khi đại dịch Covid-19 đe dọa làm tê liệt mọi nền kinh tế, nhưng với sự sáng tạo linh hoạt đồng thời quyết tâm kiên định với những mục tiêu của mình.

Việt Nam đã biến những thách thức thành cơ hội với vai trò kép trong việc kết nối ASEAN với Liên hợp quốc.
Kiên định kết hợp với linh hoạt, sáng tạo

"Trong "nhà" cho đến giờ chúng tôi vẫn đùa nhau là chủ đề "Gắn kết và Chủ động thích ứng "mà chúng ta chọn cho năm ASEAN 2020 cứ như kiểu tiên liệu những gì ngoại giao phải làm trong năm đặc biệt này vậy"- đó là chia sẻ của Trợ lý Vụ trưởng, Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao Nguyễn Đồng Trung trong một buổi tổng kết gần đây.

Quả thực lần đầu tiên trong lịch sử ngoại giao nước nhà, Việt Nam vừa đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN, vừa là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (HĐBA LHQ). Nhưng năm 2020 cũng là năm đầy thách thức đối với Việt Nam vì dịch Covid-19 đã và đang tiếp tục diễn biến phức tạp, làm thay đổi toàn bộ cuộc sống của toàn thế giới. Những thành quả Việt Nam đạt được trong bối cảnh như vậy càng trở nên quý báu.
 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tại hội nghị tổng kết năm Việt Nam Chủ tịch ASEAN 2020. Ảnh: Quang Hiếu
Theo GS Carl Thayer, Đại học New South Wales (Australia), với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã tích cực thể hiện vai trò lãnh đạo đặc biệt trong 4 lĩnh vực. Thứ nhất, Việt Nam đã kết nối các quốc gia thành viên ASEAN để cùng chống lại đại dịch Covid-19 cũng như trong tiến trình phục hồi hậu đại dịch. Thứ hai, Việt Nam đã thúc đẩy sự đồng thuận về sự trung lập và tính trung tâm của các thành viên ASEAN trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt.
Tại lễ kỷ niệm lần thứ 53 của khối, các Bộ trưởng Ngoại giao đã đưa ra một Tuyên bố về tầm quan trọng của duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á. Thứ ba, Việt Nam đã hoàn tất quá trình ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Thứ tư, Việt Nam đã làm mạnh mẽ hơn chính sách tuyên bố của ASEAN về vấn đề Biển Đông bằng cách tái nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, TS Nicholas Chapman - chuyên gia nghiên cứu an ninh quốc tế và chính trị của các nước châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, với cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã khởi xướng nhiều sáng kiến để hợp tác trong đối phó vấn đề tội phạm xuyên quốc gia, an ninh công cộng và phối hợp giữa các cơ quan thực thi pháp luật ASEAN. Theo chuyên gia Chapman, Việt Nam đã tăng cường đối thoại cho các tổ chức tài chính và ngân hàng trong khu vực, phát huy vai trò của các cơ chế lớn để “hội nhập trở thành hiện thực chứ không còn là lời nói suông”.
Bất chấp đại dịch Covid-19, Việt Nam đã thông qua hơn 42 văn kiện trong cuộc họp trực tuyến tháng 9 của các ngoại trưởng ASEAN. Đây chỉ là một vài minh chứng cho sự dũng cảm, quyết tâm và sự tinh thông tổng thể của Việt Nam trong lĩnh vực ngoại giao đối ngoại. Tóm lại, đóng góp nổi bật của Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020 là cam kết kiên định theo đuổi sự gắn kết hơn bất chấp sự biến động do Covid-19 gây ra.

Còn với vai trò là thành viên không thường trực của HĐBA LHQ, GS Carl Thayer nhận định, Việt Nam đã mạnh mẽ trong việc hỗ trợ 3 trụ cột của an ninh toàn cầu. Đó là Cam kết với chủ nghĩa đa phương trọng tâm của LHQ; Tăng cường vai trò ở các tổ chức khu vực như ASEAN, và hợp tác mở rộng giữa ASEAN với LHQ và HĐBA và cuối cùng là Gắn kết giữa các quốc gia thành viên LHQ trước những quy định cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ.

Vượt khó hoàn thành “vai trò kép”

Trong những ngày cuối năm, hãng tin Sputnik của Nga đã tung ra bài viết với tiêu đề “2020: Năm của Việt Nam". Sau khi điểm lại những sự kiện nổi bật của ngoại giao của Việt Nam trong năm 2020, hãng tin của Nga đánh giá với vai trò là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến trên lĩnh vực ít được bàn đến như hoạt động nhân đạo, hoạt động giữ gìn hòa bình, chống biến đổi khí hậu, hoạt động phòng chống tội phạm trên không gian mạng...

Còn với vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN, hãng tin Sputnik nhấn mạnh điểm đặc sắc nhất của Năm ASEAN 2020 là các hội nghị trực tuyến. Trong năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam, chỉ duy nhất có Hội nghị cấp cao Bộ trưởng Quốc phòng 10 nước ASEAN hồi tháng 2/2020 là cuộc họp tiếp xúc trực tiếp duy nhất ở cấp cao tại Hà Nội. Theo đó, Việt Nam đã rất nhanh nhạy trong việc ứng dụng không gian mạng để tổ chức các hội nghị trong kế hoạch của Năm ASEAN theo hình thức trực tuyến và được tất cả các nước ASEAN cũng như đối tác của ASEAN hưởng ứng.
Cũng theo Sputnik, một thành công lớn của Năm ASEAN 2020 là việc 10 nước ASEAN cùng với 5 đối tác đã ký kết Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Hiệp định này mở ra giai đoạn hợp tác kinh tế, thương mại mới đầy hứa hẹn. Khuôn khổ hợp tác mới của RCEP sẽ góp phần đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025. Từ đó, ASEAN sẽ trở thành đối tác năng động, mạnh mẽ, hợp tác vì sự thịnh vượng chung.

Kết nối ASEAN và Liên Hợp quốc

10 năm sau khi quay lại vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, Việt Nam cũng đã có những dấu ấn nhất định. Theo ông S D Pradhan, Phó Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ chia sẻ trên Times of India, với việc giữ vai trò Chủ tịch HĐBA LHQ vào tháng 1/2020, Việt Nam đã chủ trì hơn 30 cuộc họp bàn về các vấn đề an ninh ở Trung Đông, Syria, Colombia, Cộng hòa Trung Phi và Tây Phi. Hoạt động của các sứ mệnh chính trị và gìn giữ hòa bình của LHQ tại Yemen, Cyprus và Libya được tổng kết lại.
Đặc biệt, Việt Nam đã chủ trì thành công hai cuộc họp quan trọng về việc tuân thủ Hiến chương LHQ và hợp tác giữa HĐBA LHQ và ASEAN. Trong đó có cuộc tranh luận mở cấp bộ trưởng vào ngày 10/12020 với chủ đề “Duy trì hòa bình và an ninh quốc tế: tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc”. Tại đây, Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản về tôn trọng chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của các nước, ngăn chặn việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Trong cuộc họp giữa ASEAN và HĐBA LHQ, các thảo luận thực tiễn nhằm ngăn chặn xung đột, giải quyết các vấn đề khu vực, xây dựng cộng đồng và đóng vai trò chủ đạo trong các cơ chế an ninh khu vực đã mở đường cho việc trao đổi thêm thông tin giữa hai tổ chức theo hướng về lâu dài và bền vững.

"Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng vào vai trò chủ tịch ASEAN năm 2020 với hy vọng tăng cường sự đoàn kết, kết nối và quan hệ đối tác trong khu vực cũng như đạt được những bước tiến quan trọng trong việc thiết lập bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Những dự định này những tưởng đã “trật bánh” bởi đại dịch Covid-19. Nhưng không, ngược lại, Việt Nam đã tận dụng được cơ hội này." - TS Nicholas Chapman


"Những thành tựu nổi bật nhất trên cương vị Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ của Việt Nam là đã chủ trì đề xuất Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết lấy ngày 27/12 hàng năm làm “Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh”. Đây cũng là ngày sinh của nhà bác học Pháp Louis Pasteur (27/12/1822), người đã phát minh ra vaccine phòng, chống bệnh dại, mở đường cho sự ra đời của hàng loạt vaccine phòng chống dịch bệnh khác. " - Hãng tin Sputnik (Liên bang Nga)