Theo nội dung đề án, những gia đình sinh con một bề là gái sẽ được hỗ trợ tiền mặt, con gái của các gia đình này sẽ được miễn giảm học phí, ưu tiên cộng điểm cho nữ trong các kỳ thi đại học, cao đẳng, được ưu tiên học nghề, xin việc…
Toàn bộ kinh phí cho Đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2013-2020, trong đó có đề án nhỏ hỗ trợ kinh tế gia đình sinh con gái một bề sẽ tiêu tốn khoảng 3.000 tỷ đồng. “Một con số lớn nhưng đứng trước nguy cơ khủng hoảng xã hội, thậm chí là vấn đề an ninh quốc gia khi tỷ số giới tính nam/nữ quá cao thì con số này cũng nhỏ”, TS Trọng cho biết.
Những gia đình sinh con một bề là gái sẽ được hỗ trợ tiền, ưu tiên học nghề, xin việc... (ảnh minh họa).
Tuy nhiên, GS.TS Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội - Ban Tuyên giáo T.Ư nhận định rằng, “Việc triển khai chính sách này cần phải được cân nhắc kỹ. Bởi tâm lý trọng nam khinh nữ đã bám rễ sâu vào tư tưởng của người dân Việt nên nếu có chính sách này sẽ khiến tâm lý của các gia đình sinh con một bề là gái tự ti hơn, làm cho sự kỳ thị của xã hội đối với gia đình không có con trai lớn hơn. Ngoài ra, chính sách này có thể gây ra sự bất bình đẳng giới với những gia đình sinh toàn con trai, khiến nam giới bị "kỳ thị”.
Theo ông Trọng, hiện nay đã có nhiều tỉnh thực hiện các biện pháp nhằm tôn vinh và hỗ trợ những gia đình sinh con gái một bề, tạo hiệu ứng rất tốt về mặt tuyên truyền, xây dựng tư tưởng sinh con gái là đáng tự hào trong người dân.
Các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Long An... có hình thức khen thưởng đối với các gia đình sinh con gái một bề kinh tế khó khăn nhưng vươn lên học tốt. Phú Yên còn tôn vinh và tặng quà các bà mẹ sinh con một bề mà sản xuất kinh doanh giỏi...
Theo ông Trọng, việc tuyên truyền để xóa bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ của người dân cần một thời gian rất lâu, trong khi đó việc mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh đang như "lửa cháy", mà đề án hỗ trợ kinh tế các gia đình sinh con gái một bề là một biện pháp nhằm "giảm nhiệt" tức thì.
Theo Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, nếu không có các giải pháp hỗ trợ quyết liệt, 20-30 năm nữa, Việt Nam sẽ "dư thừa" từ 2,3-4,3 triệu nam giới. Các nước xung quanh cũng lâm vào tình trạng tương tự, như: Trung Quốc "thừa" 67 triệu nam giới, Ấn Độ "thừa" 42 triệu nam giới… Tổng 14 quốc gia, "dư thừa" khoảng 117 triệu nam giới".