Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

3 kịch bản tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng năm 2020

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng của TP Đà Nẵng sụt giảm và có mức tăng trưởng khá thấp. Trên cơ sở đó, UBND TP Đà Nẵng đã đề xuất 3 kịch bản tăng trưởng năm 2020.

GRDP ước giảm 3,61%
Sáng 6/7, HĐND TP Đà Nẵng khai mạc Kỳ họp thứ 15 khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Theo báo cáo của UBND TP Đà Nẵng tại kỳ họp, ảnh hưởng đại dịch Covid-19, kinh tế Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2020 không thể duy trì được mức tăng như những năm trước, nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng sụt giảm và có mức tăng trưởng khá thấp.
Cụ thể, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) Đà Nẵng 6 tháng đầu năm 2020 ước giảm 3,61% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, dịch vụ giảm 4,6%; công nghiệp - xây dựng giảm 1,8%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,3% và thuế sản phẩm giảm 2,4%.
Kỳ họp thứ 15 HĐND TP Đà Nẵng khai mạc vào sáng 6/7. Ảnh: Q.HẢI 
Quy mô nền kinh tế 6 tháng của Đà Nẵng ước đạt 51.072 tỷ đồng, thu hẹp hơn 918 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, quy mô khu vực dịch vụ bị thu hẹp nhiều nhất với 758 tỷ đồng; khu vực công nghiệp và xây dựng 261 tỷ đồng; thuế sản phẩm 12 tỷ đồng; riêng khu vực nông, lâm nghiệp thủy sản tăng thêm 114 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Lĩnh vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, khi số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước tính 6 tháng đầu năm đạt hơn 1.660 nghìn lượt khách, giảm 49,1% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, khách quốc tế ngủ qua đêm ước đạt 627 nghìn lượt, giảm 46,2%; khách trong nước ước đạt 1.033 nghìn lượt, giảm 50,7%. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 6 tháng ước đạt 6.858 tỷ đồng, giảm 26,2% so với cùng kỳ 2019.
3 kịch bản tăng trưởng
Trên cơ sở dự báo tình hình kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và TP Đà Nẵng nói riêng, kết hợp sự rà soát, tính toán theo các chỉ tiêu các cân đối lớn của Chính phủ về tăng trưởng của Việt Nam, UBND TP Đà Nẵng đã đề xuất 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, kịch bản 1 đưa ra tình huống Việt Nam cơ bản khống chế và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 từ nửa cuối tháng 4/2020. Hầu hết các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam nói chung và Đà Nẵng khống chế được dịch trong quý III/2020.
Với kịch bản này, vào quý III, kinh tế Đà Nẵng trên đà phục hồi, tuy nhiên giá trị tăng thêm của các ngành (phân theo ngành cấp 1) vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của bệnh dịch, nhưng tác động ở mức khoảng 50% đến 60% so với tác động bình quân 6 tháng đầu năm 2020. Sang quý IV, giá trị tăng thêm của tất cả các ngành cơ bản sẽ trở lại như dự kiến ban đầu.
Theo kịch bản này, dự kiến GRDP Đà Nẵng tăng khoảng 1,3% so với năm 2019.
Kinh tế Đà Nẵng chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 (ảnh minh họa). Ảnh: Q.HẢI
Kịch bản 2 là tình huống Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 từ nửa cuối tháng 4/2020. Một vài các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng khống chế được dịch trong quý III/2020, một số nước chỉ khống chế được dịch trong quý IV/2020.
Khi đó, vào quý III, kinh tế Đà Nẵng chưa thể phục hồi, giá trị tăng thêm của các ngành vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh tương đương bình quân 6 tháng đầu năm 2020. Sang đến quý IV, kinh tế trên đà phục hồi, tuy nhiên giá trị tăng thêm của các ngành vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của bệnh dịch, nhưng tác động ở mức khoảng 50% đến 60% so với tác động bình quân 6 tháng đầu năm 2020.
Theo kịch bản này, dự kiến GRDP Đà Nẵng giảm khoảng 0,88% so với năm 2019.
Kịch bản 3 là tình huống Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 từ nửa cuối tháng 4/2020.
Hầu hết các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng chưa thể khống chế được dịch trong quý III/2020 và kéo dài sang quý IV/2020.
Với kịch bản này, kết quả 6 tháng cuối năm 2020, kinh tế Đà Nẵng vẫn chưa thể phục hồi, giá trị tăng thêm của các ngành vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của bệnh dịch tương đương bình quân 6 tháng đầu năm 2020, thậm chí ảnh hưởng mạnh hơn do hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ kéo dài.
Theo kịch bản này, dự kiến GRDP Đà Nẵng giảm khoảng 2,83% so với năm 2019.
Một dự án Khu đô thị ở phía Tây TP Đà Nẵng. Ảnh: Q.HẢI
Các kịch bản chủ yếu phụ thuộc vào bối cảnh chính là thời điểm các quốc gia đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, các nước Asean, EU khống chế được dịch bệnh. Cùng với đó, tất cả các kịch bản cũng đã tính đến nỗ lực của chính quyền, người dân TP Đà Nẵng trong việc nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân trong trạng thái bình thường mới.
Xu hướng chung là các quốc gia đều mong muốn có thể sớm gỡ bỏ lệnh cách ly, phong tỏa để cuộc sống và việc làm của người dân quay trở lại bình thường. Tuy nhiên, tại tất cả các nước, các quyết định đều được xem xét, cân nhắc một cách rất thận trọng để hạn chế sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19, việc bãi bỏ những biện pháp hạn chế rủi ro quá sớm có thể kéo theo một đợt bùng phát dịch mới.
Do vậy, UBND TP Đà Nẵng nhận định, khả năng kịch bản 1 là quá lý tưởng, trong khi kịch bản 3 hoàn toàn có thể xảy ra, khi hàng ngày vẫn có trên 100 ngàn người mắc bệnh và trên 5 ngàn người tử vong (thời điểm đầu tháng 6/2020). Vì vậy, kịch bản 2 có thể là một lựa chọn phù hợp để làm định hướng phấn đấu trong xây dựng phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng trong 6 tháng cuối năm 2020.