Theo đó, cùng với 2 trường hợp người dân bị chết do tai nạn khi chằng chống nhà cửa ứng phó bão số 6, tại tỉnh Lâm Đồng ghi nhận thêm 1 trường hợp hiện còn đang bị mất tích. Đó là ông Lâm Văn Thoan, sinh năm 1979, bị lũ cuốn trôi khi qua đập tràn Păng Tiêng.
Mưa lớn do bão số 6 cũng đã khiến 14 nhà bị sập đổ hoàn toàn;16 nhà bị hư hỏng, tốc mái. 424 nhà bị ngập (chủ yếu tại Đắk Lắk: 412). Nhiều tuyến đường ngập sâu khiến 360 hộ dân ở Đắk Lắk bị chia cắt.
Tại Khánh Hòa, 3 thuyền nhỏ bị chìm, hư hỏng; 1 thuyền bị nước biển cuốn trôi. 930ha lúa, 329ha hoa màu, hàng chục héc-ta nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, cùng trên 3.400 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi và 423 cây xanh bị gãy, đổ.
Hệ thống đê điều, thủy lợi, giao thông cũng bị tổn thương nghiêm trọng do bão số 6. Cụ thể, 5.010m kênh mương bị sạt, trôi, hư hỏng và sạt lở 13.339m3 đất đá, bê tông. 4 cống bị hư hỏng, cuốn trôi; 2 đập thủy lợi bị sạt lở.
Quốc lộ sạt lở 2.000m3 đất đá/107 vị trí (chủ yếu thuộc các tuyến Trường Sơn Đông, đường Hồ Chí Minh, 14G, 26). Đường giao thông địa phương sạt lở, hư hỏng 25,5km. Tổng thiệt hại ban đầu do bão số 6 ước tính khoảng 87 tỷ đồng.
Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn cho biết, dù bão số 6 đã đi qua, tuy nhiên, diễn biến mưa những ngày tới còn phức tạp do ảnh hưởng của không khí lạnh. Chính vì vậy, các địa phương cần tập trung khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ. Kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu để chủ động sơ tán người dân và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn.
Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai cũng đề nghị các địa phương theo dõi sát diễn biến mưa lũ, tổ chức vận hành các hồ chứa theo đúng quy trình, đảm bảo an toàn công trình và hạ du cũng như đảm bảo nguồn nước phát điện, phục vụ sản xuất. Đồng thời, tổ chức trực ban nghiêm túc để chủ động ứng phó với diễn biến thời tiết nguy hiểm có thể xảy ra.