Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“3 nhà” cùng chung tay giáo dục đạo đức cho học sinh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giáo dục đạo đức cho học sinh (HS) được coi là vấn đề cấp thiết trước lo ngại về tình trạng xuống cấp đạo đức, lối sống ở một góc giảng đường, trường học.

Những nguy cơ sa sút đạo đức HS; Việc giáo dục đạo đức được thực hiện thế nào; Bất cập ở khâu nào?... là những câu hỏi mà Đoàn khảo sát của Bộ GD&ĐT đặt ra tại buổi làm việc với Sở GD&ĐT Hà Nội và các trường ngày 23/12.

Chưa như mong đợi

Ông Phạm Ngọc Tuấn - Trưởng Phòng công tác HS, SV (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết: "Dạy học môn đạo đức là tiêu chí hàng đầu trong giáo dục đạo đức. Đây là cơ sở tiền đề để HS tiếp tục học môn Giáo dục công dân ở THCS". Ông Tuấn cũng cho biết, HS học môn đạo đức 1tiết/tuần. Với HS tiểu học, bước đầu hình thành thái độ tự trọng, tự tin vào khả năng của bản thân, có trách nhiệm với hành động của mình, không đồng tình cái ác, cái xấu… Ngoài ra, việc giáo dục đạo đức cho HS được tích hợp trong dạy học ở các môn học khác. Đối với HS phổ thông, môn Giáo dục công dân tích hợp nhiều nội dung như học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ATGT,  pháp luật, phòng chống tệ nạn xã hội…
 
Việc giáo dục đạo đức cho học sinh cần có sự chung tay của nhà trường, gia đình và xã hội. Ảnh: Linh Anh
Việc giáo dục đạo đức cho học sinh cần có sự chung tay của nhà trường, gia đình và xã hội. Ảnh: Linh Anh

Dù xác định giáo dục đạo đức là quan trọng, ngành giáo dục cũng đã triển khai nhiều phong trào tới các nhà trường như: "Nhà trường văn hóa - Nhà giáo mẫu mực; cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"… song kết quả chưa đạt được như mong đợi. Thế nên, bà Vương Hương Giang - quyền Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm) nhận định: "Ngoài việc dạy dỗ ở trường, thì gia đình cũng là yếu tố rất quan trọng để giáo dục đạo đức cho HS, chính vì vậy cần có sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường. Đặc biệt, để việc giáo dục đạo đức cho HS đạt hiệu quả, Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội cần có những biện pháp cụ thể để "nâng tầm" môn giáo dục công dân được như các môn học khác".

Cần có chế độ cho giáo viên

Đa số giáo viên (GV), nhà quản lý giáo dục cho rằng, để giáo dục đạo đức cho HS, cần sự vào cuộc của cả xã hội, gia đình, và chính quyền địa phương, trong đó phải đặc biệt quan tâm đến chế độ đãi ngộ, nguồn phụ cấp cho GV dạy môn Giáo dục công dân.

Một chuyên viên Phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Hà Nội) chia sẻ: Sở đã tập huấn cho GV về tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, triển khai dạy tích hợp nội dung này ở hai cấp THCS, THPT. Qua kiểm tra cho thấy, các trường làm rất hiệu quả, song hiện nay chế độ dành cho GV còn hạn chế. Cụ thể, một GV Giáo dục công dân hơn 10 năm ở cấp THPT chỉ nhận được thu nhập 3 triệu đồng/tháng, trong khi công việc ngày càng nhiều. Đồng quan điểm, bà Vũ Thị Phương Anh - Hiệu trưởng trường THPT Minh Khai (huyện Từ Liêm) cho biết: "Nhà trường luôn xác định đây là vấn đề quan trọng. Đầu tiên là HS phải được an toàn, sau là có nền nếp, kỷ cương. Ngoài ra, tất cả các lực lượng phải vào cuộc, các tổ chuyên môn đều có chuyên đề. Nhưng để đầu tư bài bản, chúng tôi phải có kinh phí".

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, hiện nay nội dung GD đạo đức chưa được quan tâm đúng mức: "Chúng tôi không đồng ý về ý kiến đạo đức của HS đang báo động, mà là cần được quan tâm hơn. HS đã tự chủ hơn nhiều, có suy nghĩ độc lập và chủ động tham gia các hoạt động xã hội. Tuy nhiên, để việc rèn đạo đức, lối sống cho HS hiện nay rất cần có sự phối hợp, chung tay của cả "3 nhà": Nhà trường - gia đình - xã hội".

 
Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục khảo sát các trường tại Hà Nội trong ngày hôm nay (24/12). Theo đó, sẽ ghi nhận, thống kê chỉ số và đưa ra nhận định về thực trạng giáo dục đạo đức, lối sống hiện nay. Từ đó, đưa ra các giải pháp, định hướng về giáo dục đạo đức cho HS phổ thông trong thời gian tới.