Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

3 nhiệm vụ trọng tâm triển khai “Năm trật tự và văn minh đô thị”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ban Chỉ đạo “Năm trật tự và văn minh đô thị” vừa ban hành Kế hoạch số 49/KH-BCĐ về việc tổ chức thực hiện Chỉ thị 01/CT-UB ngày 02/01/2014 về “Năm trật tự và văn minh đô thị”.

Theo kế hoạch, Ban Chỉ đạo đề ra 3 nhiệm vụ trọng tâm để triển khai Chỉ thị.

Về đảm bảo trật tự mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường để Thành phố sáng, xanh, sạch, đẹp. Thành phố sẽ chỉ đạo xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm; sắp xếp các cửa hàng kinh doanh buôn bán, hàng quán, tổ chức tháo dỡ mái che, mái vẩy, quảng cáo rao vặt, phá bỏ bục bệ, cầu dắt xe làm mất mỹ quan đô thị.

Cải tạo, nâng cấp hệ thống chiếu sáng đô thị trên các tuyến đường, phố vành đai, trục chính đô thị, các cửa ô, các nút giao thông quan trọng, khu trung tâm chính trị, hành chính. Xây dựng hệ thống chiếu sáng trang trí, lễ hội, chiếu sáng kiến trúc… với nội dung, mẫu mã, biểu tượng phù hợp với sự kiện, thiết bị chiếu sáng có tuổi thọ cao, tiết kiệm điện và có tính thẩm mỹ cao. Thực hiện hạ ngầm hoặc sắp xếp, bó gọn các đường dây cáp điện lực, thông tin liên lạc, tháo dỡ, thu dọn các đường dây thông tin treo không đúng quy định, không còn sử dụng. Đồng thời sẽ tổ chức nạo vét bùn, thu gom rác thải trên các tuyến mương, sông; cải tạo thay thế cây xanh đô thị, tăng cường công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, bảo vệ môi trường.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Về trật tự an toàn giao thông, đảm bảo đường thông, hè thoáng, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông, hoàn thiện các dự án giao thông, thay thế một số cầu yếu, sắp xếp lại các bãi đỗ xe… Tiếp tục rà soát các điểm, nút giao thông có nguy cơ ùn tắc, các “điểm đen” có nguy cơ gây tai nạn giao thông, lắp đặt bổ sung một số nút đèn tín hiệu giao thông để phân luồng, giảm thiểu ùn tắc giao thông. Xây dựng các tuyến phố mẫu về đảm bảo an toàn giao thông và trật tự đô thị…

Về xây dựng nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hoàn thành và triển khai thực hiện Bộ quy tắc ứng xử người Hà Nội, đẩy mạnh thực hiện “Người Hà Nội thanh lịch văn minh” nhằm tạo sự chuyển biến thực sự trong giao tiếp ứng xử, nhất là trong văn hóa giao thông, văn hóa công sở, văn hóa thương mại, cách giao tiếp ở nơi công cộng. Tuyên truyền và vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, không vứt rác ra đường, không lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán không đúng nơi quy định, sắp xếp cửa hàng kinh doanh đảm bảo mỹ quan… Phấn đấu mỗi công dân sống trên địa bàn Thủ đô đều là những công dân văn minh, thanh lịch.