Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

3 phương án về mô hình tổ chức chính quyền đô thị

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cùng với nhiều nội dung quan trọng khác, tại Phiên họp thường kỳ tháng 2/2013, Chính phủ đã xem xét, bổ sung hoàn thiện Dự thảo Đề án "Mô hình tổ chức chính quyền đô thị".

Theo Bộ Nội vụ, sau hơn 25 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng dẫn đến có nhiều khác biệt về hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng giữa đô thị và nông thôn.
 
Tuy nhiên, mô hình chính quyền địa phương hiện nay về cơ bản đều giống nhau là tổ chức ở 3 cấp chính quyền (tỉnh, huyện, xã) và dựa trên cách thức quản lý của chính quyền nông thôn. Điều này đã dẫn đến tình trạng nhiều vấn đề cấp thiết của đô thị như: Quy hoạch, kiến trúc, xây dựng hạ tầng đô thị, xử lý ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, trật tự an toàn xã hội... chưa được giải quyết kịp thời.

3 phương án về mô hình tổ chức chính quyền đô thị - Ảnh 1

Khu nội thành, nội thị chỉ có một cấp chính quyền là một trong những phương án trong Dự thảo Đề án mô hình tổ chức chính quyền đô thị.Ảnh:  Hải Linh

Từ thực trạng trên, đòi hỏi cần thiết phải làm rõ sự khác biệt giữa đô thị và nông thôn, từ đó xác định rõ mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, cơ chế hoạt động phù hợp đối với chính quyền ở địa bàn đô thị và nông thôn. Vì vậy, việc đề xuất xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng loại hình đô thị là yêu cầu cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu, tốc độ phát triển của các đô thị trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. 

Với tinh thần đó, Bộ Nội vụ đã được giao chủ trì xây dựng Đề án mô hình tổ chức chính quyền đô thị. Theo đề án này, Bộ Nội vụ đề xuất 3 phương án. Phương án 1: Thực hiện không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trong cả nước và không tổ chức Ủy ban Hành chính - UBHC (UBND hiện nay) mà chỉ đặt cơ quan đại diện hành chính của cơ quan hành chính cấp trên tại địa bàn huyện, quận, phường. Theo đó, khu nội thành, nội thị chỉ có một cấp chính quyền (có HĐND và UBHC), không tổ chức cấp chính quyền ở các đơn vị hành chính trực thuộc (quận, phường). Khu vực ngoại thành, ngoại thị chỉ tổ chức cấp chính quyền ở xã, thị trấn, không tổ chức cấp chính quyền ở huyện. Các đơn vị hành chính quận, huyện, phường không tổ chức cấp chính quyền (không có HĐND và UBHC) sẽ tổ chức Ban đại diện hành chính của TP tại địa bàn quận, huyện và Ban đại diện hành chính quận tại địa bàn phường thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo phân cấp và ủy quyền của cơ quan hành chính cấp trên tại địa bàn. 

Phương án 2: Thực hiện không tổ chức HĐND ở tất cả các đơn vị hành chính trực thuộc đô thị (mở rộng phạm vi so với phương án 1). Mỗi đô thị chỉ tổ chức một cấp chính quyền (có HĐND và UBHC), không tổ chức cấp chính quyền ở tất cả các đơn vị hành chính trực thuộc kể cả ở nội thành, nội thị và ngoại thành, ngoại thị. Theo đó, chỉ tổ chức cấp chính quyền (có HĐND và UBHC) ở TP trực thuộc T.Ư, TP thuộc tỉnh và thị xã thuộc tỉnh. Các đơn vị hành chính quận, huyện, xã, phường, thị trấn trong TP trực thuộc T.Ư và xã, phường thuộc TP, thị xã thuộc tỉnh không tổ chức cấp chính quyền (không có HĐND và UBHC), chỉ đặt Ban đại diện hành chính thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo phân cấp và ủy quyền của cơ quan hành chính cấp trên tại địa bàn. 

Phương án 3: Tổ chức chính quyền đô thị có Tòa Thị chính, Thị trưởng, Quận trưởng, Huyện trưởng, Trưởng phường, Trưởng thị trấn. Theo đó, thiết lập cơ quan hành chính đô thị ở địa bàn TP trực thuộc T.Ư và TP, thị xã thuộc tỉnh là Tòa Thị chính, đứng đầu Tòa Thị chính là Thị trưởng. Các quận, huyện, phường trong TP trực thuộc T.Ư và phường thuộc TP, thị xã thuộc tỉnh không tổ chức HĐND và UBHC mà chỉ đặt cơ quan đại diện hành chính thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo phân cấp và ủy quyền của cơ quan hành chính cấp trên tại địa bàn. Người đứng đầu Ban đại diện hành chính quận, huyện, phường là Quận trưởng, Huyện trưởng và Trưởng phường. Đối với xã, thị trấn vẫn tổ chức HĐND và UBHC, người đứng đầu UBHC xã là Xã trưởng, người đứng đầu UBHC thị trấn là Trưởng Thị trấn. 

Dự kiến, trong tháng 3, Chính phủ sẽ báo cáo Bộ Chính trị. Nếu được thông qua, Chính phủ, các bộ, cơ quan T.Ư và các địa phương sẽ xây dựng các nội dung liên quan để triển khai thực hiện.