Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

3 ưu tiên khi giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam

Kinhtedothi.vn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại cuộc họp với một số bộ, ngành về công tác chuẩn bị triển khai văn bản số 969/TTg-KGVX, chiều 17/7, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam - Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, hơn 1 năm qua, toàn thể nhân dân, hệ thống chính trị đã chung sức, đồng lòng chống dịch Covid-19.

Chúng ta đã đạt được những thành tựu trong đợt dịch lần trước. Trong đợt chống dịch lần này, chúng ta đã dập được dịch ở Bắc Ninh, Bắc Giang, nhưng tình hình dịch bệnh ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đang diễn biến rất phức tạp. Số ca nhiễm tăng rất nhanh. Nguy cơ bùng phát trên diện rộng.
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại quận Tân Bình. Ảnh: Độc Lập

“Tình hình mới đòi hỏi chúng ta phải có bước đi mới, giải pháp mới, cách làm mới cho phù hợp”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Thứ nhất, chúng ta phải ưu tiên trên hết việc bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân.

Thứ hai, chúng ta phải đảm bảo hệ thống y tế hoạt động hiệu quả, không bị quá tải, bởi hệ thống y tế không chỉ để chữa người mắc Covid-19 mà còn điều trị cho các bệnh nhân khác.

Thứ ba, chúng ta chưa có đủ vaccine phòng Covid-19 để đạt miễn dịch cộng đồng cho nên phải kiềm chế dịch ở mức thấp nhất có thể.

Vì thế Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải đi đến quyết định khó khăn nhưng rất cần lúc này: Đó là yêu cầu 19 tỉnh, TP khu vực phía Nam áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chúng ta áp dụng giãn cách xã hội cho cả khu vực này, trước hết để nhằm giảm tốc độ lây lan của dịch bệnh, không để dịch bệnh lan rộng ra cả khu vực và từ đó ra cả nước.

Những nơi còn an toàn, phải quyết tâm rất cao để giữ an toàn. Những nơi đã bị nhiễm, chúng ta phải đẩy lùi, khoanh lại và tiến tới dập dịch.

Bằng việc áp dụng đồng bộ Chỉ thị 16/CT-TTg, chúng ta phải tạo được cơ chế để sản xuất an toàn, nhất là lưu thông, phân phối hàng hóa an toàn. Chúng ta không mất cảnh giác nhưng không thể để ách tắc trong lưu thông hàng hóa để phục vụ người dân và sản xuất, kinh doanh.

“Việc áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg sẽ không có kết quả nếu không làm thực chất. Vì vậy, tất cả các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân phải cùng nhau thực hiện nghiêm túc các quy định của Chỉ thị này”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Cụ thể, Phó Thủ tướng lưu ý, phải rất rõ ràng từng cấp, ngành, bộ phận, từng người và đến từng ngày phải có kế hoạch, phải có những việc cần làm cụ thể. Chính quyền có trách nhiệm làm gì, người dân có nghĩa vụ thế nào, phải rõ ràng, minh bạch để người dân cùng tham gia và cùng giám sát.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị phải thực sự chú ý chăm lo đến đời sống của nhân dân, nhất là người nghèo, người bị ảnh hưởng, người không có thu nhập hay tích lũy. Chúng ta phải huy động toàn bộ hệ thống và phát động nhân dân cùng chăm lo, cùng giúp đỡ, chia sẻ lẫn nhau.

Nhấn mạnh việc nỗ lực duy trì sản xuất an toàn trong thực hiện giãn cách xã hội, Phó Thủ tướng nêu rõ, các ngành, các cấp cùng vào cuộc đồng bộ, thông suốt trong cả nước.

Không chỉ trong khu vực thực hiện giãn cách xã hội mà nhân dân cả nước phải cùng nhau thực hiện thật tốt các biện pháp phòng, chống dịch, trước hết, thực hiện nghiêm thông điệp 5K, giảm tối đa tiếp xúc, chỉ đi ra ngoài khi thực sự cần thiết.

“Nếu không kiểm soát tốt, dịch lây lan trên diện rộng, hệ thống y tế sẽ quá tải, nhiều người bị nặng, nhiều người tử vong và có thể đe dọa đến sự ổn định, phát triển của đất nước”, Phó Thủ tướng nói.

Vì vậy, Chính phủ mong muốn người dân cùng thấu hiểu, chia sẻ và tham gia của người dân. Cả nước cùng hướng về tuyến đầu. Mọi người dân thể hiện lòng biết ơn với đội ngũ y, bác sĩ và các lực lượng tuyến đầu chống dịch bằng cách thực hiện thật nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch.

“Nếu tất cả người dân Việt Nam cùng đồng lòng, quyết tâm, nhất định chúng ta sẽ đẩy lùi được dịch bệnh lần này, để đất nước sớm quay lại cuộc sống bình thường mới”, Phó Thủ tướng bày tỏ.
Đoàn công tác của Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh kiểm tra giá bán tại cửa hàng Bách Hóa Xanh.
Sẵn sàng các kịch bản đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Công Thương đã có kế hoạch chuẩn bị cho tình huống áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg tại 19 tỉnh, TP.

“Chúng ta chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm phục vụ đời sống người dân. Song người dân cũng phải chuẩn bị tinh thần là sẽ có những xáo trộn nhất định”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, TP khác để có phương án vận chuyển hàng hóa đến những nơi áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg và đưa đến các nơi cần thiết nhất để người dân thuận tiện trong tiếp cận thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống.

Tuy nhiên, mỗi địa phương có đặc điểm tình hình khác nhau, nên Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị chính quyền các địa phương phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, nhất là Bộ Công Thương để đưa ra khuyến cáo cụ thể với người dân.

Đơn cử như TP Hồ Chí Minh đang dừng hoạt động khoảng 2/3 chợ truyền thống và đầu mối, 30% nhu cầu còn lại của người dân tập trung vào các siêu thị, trung tâm thương mại, do đó, phải tăng giờ bán lên hằng ngày và phải tính đến việc mở lại một số chợ truyền thống với điều kiện bảo đảm quy định phòng, chống dịch để tăng đầu mối cung cấp thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Mặt khác, một mô hình đang được áp dụng thành công, có hiệu quả là tổ chức bán hàng lưu động, không chỉ địa phương mà nhiều cơ quan cũng đã vào cuộc như hệ thống bưu điện, Viettel Post. Thời gian tới, chúng ta phải có sự phối hợp tốt hơn, nhịp nhàng hơn để phục vụ người dân.

Ông Đỗ Thắng Hải cho rằng với kinh nghiệm áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg tại một số nơi như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Chính phủ và các bộ ngành luôn cố gắng hết sức bảo đảm đủ hàng phục vụ nhu cầu người dân. Mong người dân bình tĩnh, tin tưởng vào các chỉ đạo, hướng dẫn của các bộ ngành, địa phương. Bộ Công Thương làm hết sức mình để bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhất có thể nhu cầu thiết yếu của người dân. Nếu người dân đổ xô tới những nơi đông người cũng là một nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Người dân không nên nóng ruột, tích trữ mua nhiều hàng hóa mà cần tuân thủ các quy định, hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền,địa phương.
Bộ đội Phòng hóa Quân đoàn 4 và Cảnh sát PCCC tỉnh Bình Dương phun xịt diệt khuẩn tại các khu vực nguy cơ cao Covid-19.
Phương án phân luồng giao thông bảo đảm thông suốt

Rút kinh nghiệm từ hoạt động điều phối giao thông liên tỉnh thời gian qua có tắc nghẽn cục bộ, ảnh hưởng tới việc lưu thông hàng hóa tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ trưởng Bộ GTVT đã trực tiếp điều hành, tổ chức lại việc phân luồng, phân tuyến, áp dụng công nghệ thông tin, sử dụng mã QR thống nhất với các địa phương để bảo đảm các xe vận tải hàng hóa được lưu thông trong khu vực có dịch và không có dịch.

Triển khai thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg theo văn bản mới nhất của Thủ tướng, Bộ đã phân lại luồng, quy định cụ thể để bảo đảm giao thông trong khu vực 19 tỉnh, TP luôn suôn sẻ và tổ chức giao thông giữa 19 tỉnh, TP với các địa phương khác bảo đảm thông suốt. Bộ cũng cử cán bộ phối hợp với ngành y tế để xét nghiệm nhanh các lái xe ngay tại chốt kiểm soát tại các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, Lâm Đồng, Bình Thuận.

Theo quy định của Bộ Y tế, những người đi trên phương tiện vận tải phải có kết quả xét nghiệm âm tính, khi chưa có kết quả xét nghiệm thì tổ chức xét nghiệm nhanh tại chốt kiểm soát khi ra, vào vùng dịch.

Hiện nhu cầu xét nghiệm của lái xe, phụ xe và người đi trên xe rất cao, Bộ GTVT đã chỉ đạo các Sở GTVT phối hợp chặt chẽ với các Sở Y tế để khẩn trương thống kê, tổ chức xét nghiệm cho các lái xe có nhu cầu. Hiện thời gian có hiệu lực của kết quả xét nghiệm là 3 ngày, Bộ GTVT và Bộ Y tế sẽ phối hợp để xem xét điều chỉnh thời gian hiệu lực phù hợp với tình hình.

Việc thực hiện luồng xanh hàng hóa còn bất cập tại một số nơi. Vừa qua, Bộ GTVT giao các Sở GTVT cấp mã QR cho các xe, tuy nhiên, việc này thực hiện còn chậm. Từ ngày 19/7, Bộ giao Tổng cục Đường bộ tổ chức cấp mã QR để giúp các doanh nghiệp và lái xe được cấp nhanh, lưu thông nhanh hơn.

Tăng cường nhân lực, thiết bị, sinh phẩm chống dịch cho các tỉnh

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thông tin, Bộ Y tế đã cử nhiều đội công tác đặc biệt vào hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ đã xin ý kiến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, chủ động phối hợp với các các địa phương, các đơn vị chăm sóc sức khỏe chuẩn bị cho mọi kịch bản có thể xảy ra.

Khi dịch xảy ra, Bộ chịu trách nhiệm chính về con người, nhân lực cho truy vết, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị và các công tác khác. Đồng thời, Bộ chịu trách nhiệm chính trong bảo đảm trang thiết bị, máy móc, vật tư, thuốc men và các sinh phẩm qua đấu thầu, mua sắm tập trung và huy động mọi nguồn lực, kể cả xã hội hóa.

Tóm lại, Bộ và các bộ, ngành liên quan chịu trách nhiệm chính trong bảo đảm nhân lực và trang thiết bị, sinh phẩm để hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong chống dịch thời gian tới.