Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

30 triệu dân Việt Nam đang sống tại khu vực đô thị

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đô thị Việt Nam thường có cấu trúc một thành phố hạt nhân luôn quá tải, bao quanh là khu vực nông thôn rộng lớn mang nặng cơ cấu truyền thống với văn hóa làng xóm, mặt bằng dân trí chưa cao.

Đó là đánh giá của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị về hiện trạng đô thị Việt Nam tại Hội nghị “Triển khai thực hiện Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 – 2020” được tổ chức sáng 26/12.

Tính đến 12/2013, cả nước có khoảng 770 đô thị, với tỷ lệ đô thị hóa đạt hơn 33%, có nghĩa là khoảng 30 triệu người dân Việt Nam đã và đang sống tại khu vực đô thị.

Khoảng 30 triệu người dân Việt Nam đã và đang sống tại khu vực đô thị.
Khoảng 30 triệu người dân Việt Nam đã và đang sống tại khu vực đô thị.

Số lượng đô thị nhiều nhưng thực tế hơn 50% dân số đô thị lại tập trung chủ yếu ở 16 thành phố lớn là các đô thị loại đặc biệt và loại I. Những áp lực do quá tải đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu và các vấn đề khác cần kiểm soát và điều tiết trong quá trình phát triển đều tập trung ở các thành phố này, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh…

Để bảo đảm hệ thống đô thị Việt Nam phát triển vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt và yêu cầu bền vững lâu dài, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Điều chỉnh định hướng phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050” và “Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020”, đặc biệt là Nghị định số 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị mới được Chính phủ ban hành là một bước đổi mới, là công cụ thích hợp trong quản lý xây dựng đô thị theo quy hoạch và có kế hoạch.

Đây là những quyết định chiến lược quan trọng trong giai đoạn tích cực hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, Chính phủ đã có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình, trong đó giao Bộ Xây dựng là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo và Bộ Xây dựng cũng đã thành lập Tổ công tác liên ngành giúp việc cho Ban Chỉ đạo.

Tuy nhiên, sau hơn một năm, kết quả thực hiện nhiệm vụ và các nhóm giải pháp của Chương trình phát triển đô thị Quốc gia mới chỉ là những công việc khởi đầu, việc triển khai Chương trình đồng loạt trên diện rộng khắp cả nước trong thời gian bảy năm còn lại đòi hỏi sự quan tâm chỉ đạo, phối hợp thực hiện hiệu quả hơn nữa giữa các Bộ, ngành, các cơ quan trung ương, và sự nỗ lực lớn từ Chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là các chính quyền đô thị.

Năm 2014, Chương trình Phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020 đề ra mục tiêu huy động nguồn lực, nguồn vốn cho các hoạt động thuộc Chương trình phát triển đô thị, rà soát hiệu quả sử dụng đất đô thị tại các đô thị lớn; giám sát và đánh giá mô hình chính quyền đô thị tại các đô thị thực hiện thí điểm. Năm 2014, Chương trình cũng đặt mục tiêu ban hành và triển khai thực hiện thông tư hướng dẫn lập, thẩm định và phê duyệt Chương trình phát triển đô thị; triển khai nâng cấp đô thị và xây dựng tiêu chuẩn phân loại đô thị nhằm kiểm soát chất lượng đô thị theo vùng miền…

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, việc hoàn thiện thể chế là quan trọng hàng đầu để phát triển đô thị bền vững. Tiếp đó, phát triển nhà ở đô thị, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường đô thị hiện nên là hạng mục ưu tiên thường xuyên và đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn.

Ngoài ra, Thứ trưởng cho rằng, việc quản lý sử dụng đất đô thị một cách tiết kiệm, hiệu quả cũng đang là một nhiệm vụ rất lớn để đưa đô thị phát triển ổn định.