Kinhtedothi - Tối 28/12, Văn phòng Quốc hội và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ tổng kết và trao giải báo chí “70 năm Quốc hội Việt Nam”. Tham dự có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Phát biểu tại Lễ trao giải, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập (6/1/1946 – 6/1/2016), Văn phòng Quốc hội và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức Giải báo chí “70 năm Quốc hội Việt Nam”. Đây là lần đầu tiên một giải thưởng báo chí có quy mô lớn về đề tài Quốc hội được tổ chức nhằm tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa báo chí với Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trao giải cho các tác giả đạt giải A.
|
Qua các tác phẩm dự giải có thể nhận thấy sự phong phú, đa dạng về cách tiếp cận, đưa tin của báo chí về Quốc hội; phản ánh chân thực, sinh động và sáng tạo về những khía cạnh khác nhau trong hoạt động của Quốc hội nước ta; đề xuất nhiều cơ chế, chính sách mới trong công tác lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước; đồng thời biểu dương kịp thời những tập thể, cá nhân có đóng góp quan trọng đối với hoạt động của Quốc hội.
Nhà báo Hà Minh Huệ, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, đồng Trưởng ban Tổ chức Giải, Trưởng ban Chung khảo cũng khẳng định: Giải báo chí “70 năm Quốc hội Việt Nam” là sự đóng góp thiết thực của giới báo chí vào hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên – một sự kiện có ý nghĩa trọng đại trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền, của dân, do dân và vì dân.
Chỉ trong 3 tháng kể từ ngày phát động, Ban tổ chức đã nhận được 396 tác phẩm báo chí của 44 cơ quan báo chí trong cả nước, thuộc 4 loại hình: báo in, báo điện tử, báo nói và báo hình. Không chỉ các cơ quan báo chí lớn ở Trung ương mà cả các cơ quan báo chí ở những nghĩa tình miền núi, vùng sâu, vùng xa như Lai Châu, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hậu Giang, Cần Thơ cũng nhiệt tình hưởng ứng.
Các tác phẩm tham dự đã bám sát chủ đề tuyên truyền 70 năm Quốc hội Việt Nam – lịch sử 70 năm phát triển và thành tựu của Quốc hội trong thời kỳ đổi mới. Các đề tài được phản ánh đa dạng, phong phú, bảo đảm thông tin thời sự, nhanh nhạy.
Nhiều tác phẩm có những điểm độc đáo, đặc sắc trong phát hiện, thể hiện đề tài Quốc hội, thể hiện được sức lao động, cá tính sáng tạo của nhà báo, dấu ấn của cơ quan báo chí trong định hướng thông tin. “Cái được lớn nhất của các tác phẩm dự Giải là phản ánh một cách chân thực, sinh động và thuyết phục về hoạt động của Quốc hội, của các đoàn đại biểu Quốc hội và của các đại biểu Quốc hội. Thông qua đó, khắc họa hình ảnh một Quốc hội của dân, do dân, vì dân, thực hiện tốt 3 chức năng: lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước”, nhà báo Hà Minh Huệ nhấn mạnh.
Đã có 55 tác phẩm tiêu biểu được chọn vào Vòng Chung khảo. Hội đồng Chung khảo đã chọn ra 4 giải A, 8 giải B, 10 giải C và 12 giải Khuyến khích để vinh danh tại Lễ trao giải hôm nay.
Các tác giả có tác phẩm đoạt giải A gồm: GS.TS nhà báo Đinh Xuân Dũng (Báo Nhân Dân) với tác phẩm “Những giá trị cơ bản cốt lõi của văn hóa trong Hiến pháp”; Nhà báo Đỗ Phú Thọ (Báo Quân đội nhân dân) với loạt bài “Nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật”; Nhà báo Thanh Hà và nhóm phóng viên (Báo điện tử Đại biểu nhân dân) với loạt bài về “Tổng tuyển cử - Dấu mốc lịch sử trong tiến trình xây dựng thể chế dân chủ cộng hòa”; Nhóm tác giả Truyền hình Quốc hội: “Quốc hội năm 1946: Dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng nhà nước pháp quyền”.