Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

4.000 trẻ em bị xâm hại đã được can thiệp

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em đã tiếp nhận 3 triệu cuộc gọi cần tư vấn bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại trong 14 năm qua.

Thông tin này được đưa ra tại Đối thoại Thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan trong chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất, tinh thần trẻ em, do Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD), Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (VACR), Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD) và mạng lưới Quản trị Quyền trẻ em tổ chức, ngày 13/12.

Đại diện trẻ em đến từ Hà Nội gửi tới người lớn thông điệp: ''Dạy trẻ không dọa trẻ''. Ảnh: Thủy Trúc.

Bà Ninh Thị Hồng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội bảo vệ quyền trẻ em nhận định: Tại Việt Nam, hình thức trừng phạt thể chất, tinh thần trẻ em rất phổ biến. Theo số liệu của UNICEF cung cấp, 68,4% trẻ em từng bị cha mẹ, người chăm sóc bạo lực tại nhà, xếp thứ 27/75 quốc gia. Bạo lực học đường diễn ra ngày càng nhiều, học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học, thầy cô giáo cũng có những hành vi bạo lực với trẻ em.

Theo số liệu của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, trong 14 năm đã có 3 triệu cuộc gọi cần tư vấn. Tổng đài đã can thiệp cho gần 4.000 trường hợp trẻ em bị xâm hại về quyền. Trong số này, 1.366 trẻ em bị bạo lực (37,8%), rất nhiều trong số đó là nạn nhân của trừng phạt thể chất  tinh thần tại gia đình và trong nhà trường.

Vấn đề này được thể hiện rõ trong kết quả khảo sát của Viện MSD về các vấn đề bảo vệ trẻ em nổi cộm tại một xã miền Bắc. Bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện MSD thông tin: 77% trẻ em được khảo sát khẳng định đang phải chịu một số loại hình bạo lực tại gia đình như bị cha mẹ, người lớn trong nhà quát mắng, đánh đòn.

100% trẻ em nam tham gia thảo luận nhóm khẳng định bị đánh tại gia đình và nhà trường vì các lý do không làm bài tập, trêu chọc bạn bè, bị đánh/tát bằng tay hoặc đánh bằng các vật dụng như thước kẻ, dây lưng, thắt lưng, dây điện, chổi, gậy...

Còn theo kết quả thảo luận nhóm phụ huynh, chủ yếu trẻ em trai phải chịu các hình thức kỷ luật như bị bố mẹ đánh mắng, tát. “Quan điểm của tôi, con trai với con gái khác nhau, con trai cần phải đánh” - một phụ huynh lý giải.

Vì thế, bà Phương Linh hy vọng chiến dịch Lan tỏa yêu thương năm 2019 đã truyền cảm hứng cho tất cả các bên liên quan trong việc lan tỏa những giá trị yêu thương tích cực để đẩy lùi bạo lực. Các thông điệp rất cụ thể của chiến dịch “Không đánh con”, “Không quát mắng con”, “Cùng con tìm giải pháp”, “Giáo dục tích cực”, “Đồng hành cùng con” và các thử thách 21 Ngày lan tỏa yêu thương của chiến dịch có ý nghĩa đối với cha mẹ thầy cô.

“Chúng ta hãy hướng đến những cách giáo dục tích cực để trẻ được sống trong vòng tay yêu thương, được phát triển toàn diện, tự tin vào bản thân mình và phát huy được những tố chất, khả năng đặc biệt mà trẻ có” - bà Phương Linh nhấn mạnh.