Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

400 triệu USD giúp Việt Nam tăng cường khả năng cạnh tranh

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo WB, ổn định kinh tế vĩ mô là một ưu tiên hàng đầu để tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam và cũng là mục tiêu cốt lõi của EMCC. EMCC sẽ giúp giám sát các chính sách kinh tế vĩ mô hỗ trợ nỗ lực ổn định kinh tế của Chính phủ.

Ngày 14/5, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã ký ba thỏa thuận tín dụng với tổng trị giá 400 triệu USD giúp Việt Nam cải cách quản lý kinh tế nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh và cải cách giáo dục.

Khoản tín dụng hỗ trợ Quản lý và cạnh tranh kinh tế đầu tiên (EMCC 1) trị giá 250 triệu USD để hỗ trợ cải cách trong 7 lĩnh vực bao gồm: Khu vực tài chính; chính sách tài khóa; hành chính công và trách nhiệm giải trình; quản lý doanh nghiệp nhà nước; quản lý đầu tư công; hiệu quả môi trường kinh doanh; bình đẳng và minh bạch của môi trường kinh doanh.

Theo WB, ổn định kinh tế vĩ mô là một ưu tiên hàng đầu để tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam và cũng là mục tiêu cốt lõi của EMCC. EMCC sẽ giúp giám sát các chính sách kinh tế vĩ mô hỗ trợ nỗ lực ổn định kinh tế của Chính phủ. Quản lý đầu tư công, cải cách doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng là những chủ đề quan trọng của chương trình này, phù hợp với các ưu tiên của Chính phủ trong cải cách cơ cấu. EMCC nhằm hỗ trợ thực hiện chương trình cải cách kinh tế trong ba năm tới.
 
400 triệu USD giúp Việt Nam tăng cường khả năng cạnh tranh - Ảnh 1
 
 
Quang cảnh lễ ký kết. (Nguồn: WB)
 

Khoản tín dụng thứ hai trị giá 50 triệu USD cho “Chương trình Chính sách phát triển Giáo dục đại học - giai đoạn 3” sẽ được sử dụng để hỗ trợ thực hiện các chương trình cải cách giáo dục đại học của Chính phủ với các chính sách tăng cường quản trị, tài chính và chất lượng giáo dục đại học.

Đặc biệt, khoản tín dụng này hỗ trợ các nỗ lực nhằm: Cải thiện khả năng đáp ứng của giáo dục đại học và năng lực nghiên cứu; tăng cường minh bạch tài chính, tính bền vững và hiệu quả của giáo dục đại học và nâng cao chất lượng của các tổ chức giáo dục đại học.

Trong khi đó, dự án “Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non” nhằm mục đích tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ chuẩn bị bước vào tiểu học, đặc biệt với nhóm có nguy cơ gặp khó khăn trong môi trường học tập. Dự án với tổng trị giá 100 triệu USD sẽ hỗ trợ một số mục tiêu lựa chọn từ chương trình quốc gia của Việt Nam về “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015”.

Đặc biệt, dự án hỗ trợ nỗ lực mở rộng chương trình đi học mầm non 2 buổi/ngày, nâng cao năng lực đảm bảo chất lượng giáo dục mầm non và củng cố chuyên môn cho giáo viên và hiệu trưởng các trường mầm non.

Cả ba khoản tín dụng này đều được Hiệp hội Phát triển Quốc tế cung cấp, đây là chương trình cho vay có điều kiện mà Nhóm Ngân hàng Thế giới hỗ trợ cho các nước có thu nhập thấp./.