Trong tà áo dài duyên dáng, các nữ giáo viên vui vẻ trò chuyện, trao đổi kinh nghiệm. Cô Phùng Thị Ân, Hiệu trưởng trường THPT Tam Đảo 2 (Vĩnh Phúc) kể về những ngày tháng khó khăn khi trường mới được thành lập năm 2006. Đặt trụ sở ở xã Bồ Lý, một xã nghèo của huyện Tam Đảo, thời gian đầu cơ sở vật chất của trường thiếu thốn, người dân trong vùng lại chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học nên chưa có đầu tư thích đáng. Năm đầu tiên có học sinh thi đại học, trường chỉ có vài em đỗ.
"Chúng tôi phải rất cố gắng để đưa học sinh vào nề nếp, rèn luyện phương pháp học tập cho các em. Mỗi giáo viên đều nỗ lực biến những bài giảng khó và khô khan trở nên mềm dẻo, sinh động, dễ tiếp thu, giúp học sinh học nhẹ nhàng hơn", cô Ân nói và cho hay sau 5 năm hoạt động, số học sinh đỗ đại học của trường đã đạt 22%. Là giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi từ cấp quận, thành phố đến toàn quốc, cô Trương Thị Minh (hiệu trưởng trường Tiểu học Chu Văn An, TP Hải Phòng) cho rằng, điều quan trọng mà người thầy là dạy cho các em phương pháp tự học, tự rèn sự say mê học tập. Mỗi tiết dạy cần tổ chức thật sinh động, gần gũi, khuyến khích học sinh tìm tòi, khám phá. "Trên cương vị người quản lý, tôi luôn nỗ lực để trường có cách thức đào tạo tốt nhất. Hiện chúng tôi phát triển theo mô hình giáo dục có tính hội nhập quốc tế cao với 100% giáo viên đạt chuẩn, có phòng dạy tiếng nước ngoài, nghệ thuật âm nhạc, mỹ thuật, thư viện mở, nhà thể thao đa năng... tạo cơ hội tốt nhất cho các em học tập", cô Minh chia sẻ. Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, đằng sau thành công của mỗi nữ giáo viên không chỉ là những giọt mồ hôi, tâm huyết mà còn là nghị lực phi thường. Thứ trưởng thông tin, hiện nay, đội ngũ nhà giáo có 70% là nữ. Khi toàn ngành giáo dục thực hiện "đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế" thì các nữ giáo viên là yếu tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới này.