Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

429 tàu thuyền vẫn đang hoạt động trong vùng ảnh hưởng bão số 4

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại diện Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) nêu thông tin trên tại cuộc họp ứng phó với bão số 4 và mưa lũ, do Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai tổ chức sáng 18/8.

Nhiều tàu cá vẫn đang hoạt động trong vùng ảnh hưởng của bão số 4. Ảnh minh họa.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sáng nay (18/8), áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 trên Biển Đông. Hiện, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20km. Đến 1 giờ ngày 19/8, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 470km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Ghi nhận từ 19 giờ ngày 17/8 đến 7 giờ sáng nay (18/8), tại Bắc Bộ đã có nơi mưa to đến rất to. Một số trạm mưa lớn như: Tĩnh Túc (Cao Bằng) 91mm, Sìn Hồ (Lai Châu) 97mm, Đại Từ (Thái Nguyên) 120mm, Kim Quang (Tuyên Quang) 82mm. Dự báo, do ảnh hưởng của bão số 4, từ chiều 20/8 đến ngày 23/8, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng xuất hiện đợt mưa to đến rất to diện rộng.
Liên quan đến an toàn hồ chứa, đại diện Bộ Công Thương cho biết, các hồ thủy điện lớn ở Bắc Bộ: Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà, hiện vẫn dưới mực nước cho phép từ 0,78m - 6,64m (Sơn La: 0,78m, Hòa Bình: 6,64m, Tuyên Quang: 2,51m, Thác Bà; 3,50m). Tổng dung tích còn lại đến mực nước đón lũ là 2,1 tỷ m3, đến mực nước dâng bình thường là 10,1 tỷ m3.
Bộ đội Biên phòng tuyến biển đã phối hợp với chính quyền địa phương, chủ tàu thuyền và ngành thủy sản các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên Huế thông tin đến phương tiện hoạt động trên biển biết diễn biến của bão số 4 để chủ động phòng tránh. Dù vậy đến sáng nay (18/8), vẫn còn khoảng 429 tàu cá hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão số 4.
Tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), cho biết hiện nay tại miền Bắc đang vào thời kỳ lũ chính vụ. Trong giai đoạn này, hồ Sơn La chỉ được phép tích nước đến cao trình 197,3m. Theo đó, mực nước hồ Sơn La hiện chỉ còn cách cao trình xả lũ dưới 1m.
Số liệu đo đạc ngày 18/8 cho thấy, mực nước đến hồ Sơn La hiện vào khoảng 5.230m3/s. Trong khi đó, lưu lượng nước xả ra để phát điện khoảng 3.286m3/s. Đồng nghĩa với hồ Sơn La sẽ giữ lại khoảng 2.000m3/s. Điều này đặt ra bài toán cần có tính toán và theo dõi diễn biến mực nước để vận hành hồ Sơn La.
Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Hoàng Phúc Lâm, cho biết do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 gây mưa lớn, đến ngày 21/8 lượng nước từ thượng nguồn đổ về hồ Sơn La có thể lên tới 8.000m3/s. Theo kịch bản trên, mực nước hồ Sơn La sẽ nhanh chóng dâng lên ngưỡng tràn xả lũ theo quy trình vận hành.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, để vận hành linh hoạt và đảm bảo giữa nhu cầu tích nước phục vụ sản xuất và an toàn thì dự báo lũ muộn rất quan trọng. Do đó, đề nghị Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN&MT) có tính toán. Bởi khi biết được lũ muộn thì mới quyết định được quy trình vận hành hồ Sơn La.
“Quan điểm đầu tiên vẫn là an toàn cho nhà máy thủy điện, hạ du, sông Đà và Hà Nội. Thứ nữa là cố gắng tranh thủ đến mức tuyệt đối để tích mức nước lớn nhất có thể phục vụ phát điện sản xuất vì đến tháng 9 là hết lũ” - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.
Để chủ động ứng phó, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, TP và các bộ ngành triển khai những biện pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới (hiện đã mạnh lên thành bão) và mưa lũ theo nội dung Công điện số 08/CĐ-TWPCTT ngày 17/8/2020.
Nhiệm vụ trọng tâm trong những giờ tới là cần tập trung kiểm đếm tàu thuyền trên biển, quản lý chặt chẽ việc ra khơi, hoạt động sản xuất, kinh doanh. Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân đề phòng lũ quét, sạt lở đất, khu vực dân cư có nguy cơ mất an toàn. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ trên các sông để đảm bảo an toàn đê điều, hồ chứa…