KTĐT - Cuộc biểu tình có sự tham gia của Mặt trận Hành động Hồi giáo, Đảng Đoàn kết nhân dân, các hiệp hội thương mại... Các lực lượng an ninh đã được tăng cường nhằm bảo đảm an ninh.
Ngày 4/3, khoảng 5.000 người Jordan đã xuống đường biểu tình ở thủ đô Amman đòi giải tán Hạ viện và cải tổ hệ thống chính trị, trong đó có việc ban hành luật bầu cử mới, đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng.
Cuộc biểu tình có sự tham gia của Mặt trận Hành động Hồi giáo, Đảng Đoàn kết nhân dân, các hiệp hội thương mại... Các lực lượng an ninh đã được tăng cường nhằm bảo đảm an ninh.
Cuộc biểu tình diễn ra một ngày sau khi Thủ tướng Maruf Bakhit bác bỏ lời kêu gọi thành lập chế độ quân chủ lập hiến với lý do điều đó sẽ "làm mất cân bằng hệ thống chính trị của Jordan."
Trước đó, ngày 3/3, chính phủ của ông Bakhit đã vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, đồng thời khẳng định quyết tâm thúc đẩy đối thoại dân tộc và nhanh chóng tiến hành cải cách chính trị và kinh tế.
Tại Iraq, hàng nghìn người biểu tình tại ít nhất 10 thành phố và thị trấn nhằm phản đối tình trạng thất nghiệp và dịch vụ công kém. Khoảng 2.000 người tụ tập tại Quảng trường Tahrir ở thủ đô Baghdad, 1.500 người tụ tập tại thành phố Mosul ở miền Bắc và khoảng 1.000 người biểu tình tại các thành phố Nasiriyah và Basra ở miền Nam. Cảnh sát đã phải sử dụng vòi rồng để giải tán đám đông.
Làn sóng biểu tình tại Iraq bắt đầu từ tháng trước, trong đó rầm rộ nhất là các cuộc biểu tình hôm 25/2 tại ít nhất 17 thành phố và thị trấn, làm 16 người thiệt mạng và hơn 130 người bị thương do các vụ đụng độ giữa lực lượng an ninh và người biểu tình. Ít nhất 4 quan chức cấp cao Iraq đã từ chức, trong đó có ba tỉnh trưởng ở miền Nam và Thị trưởng Baghdad.
Trước tình hình trên, Thủ tướng Iraq Nuri Al Maliki đã gia hạn 100 ngày cho các bộ trưởng tiến hành những thay đổi cần thiết hoặc sẽ bị sa thải.
Trong khi đó, tân Thủ tướng Ai Cập Essam Sharaf ngày 4/3 cam kết đáp ứng các yêu sách của người dân. Phát biểu trước hàng nghìn người tại quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo một ngày sau khi nhậm chức, ông Sharaf tuyên bố "sẽ nỗ lực hết sức để đáp ứng các nguyện vọng của nhân dân."
Ông Sharaf được Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang chỉ định làm thủ tướng thay ông Ahmed Shafiq. Việc chỉ định ông Sharaf được cho là sẽ giúp xoa dịu người biểu tình vốn yêu cầu nội các mới không có sự liên quan tới chính quyền của cựu Tổng thống Hosni Mubarak.
Ngoài ra, nội các cũng đã ấn định tiến hành trưng cầu dân ý về việc thay đổi hiến pháp vào ngày 19/3 tới./.