Đột phá trên nhiều lĩnh vựcTheo nhận định của UBND TP, sau 5 năm thi hành, các quy định của Luật Thủ đô đã nhanh chóng được triển khai vào cuộc sống, tạo sự chuyển động tích cực trên nhiều lĩnh vực. HĐND TP Hà Nội đã ban hành 16 Nghị quyết; UBND TP ban hành 3 Quyết định cụ thể hóa Luật trên nhiều lĩnh vực giáo dục, quy hoạch kiến trúc, giao thông vận tải, môi trường, tài chính, đầu tư…Các cơ chế đặc thù quy định trong Luật đã giúp TP huy động được nguồn lực, tạo bước đột phá về tăng cường đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung. Việc quản lý cầu, hầm, đường bộ trên địa bàn TP, đặc biệt là quản lý các tuyến quốc lộ đã được phân định rõ hơn, tạo điều kiện cho các địa phương chủ động thực hiện. Nhiều dự án, công trình phát triển kết cấu hạ tầng GTVT được ưu tiên đầu tư đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như cầu Nhật Tân, đường 5 kéo dài, các tuyến đường vành đai... đã góp phần nâng cao năng lực mạng lưới hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. TP cũng ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn kết nối giữa các đầu mối giao thông với nhau và với khu vực nội đô.Nhiều chính sách trong quản lý đất đai, bảo vệ môi trường và phát triển nhà ở đã triển khai, cụ thể bằng các chương trình, dự án, đề án. Trong đó, riêng lĩnh vực cải tạo chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp, TP đã tiến hành rà soát, xác định trên địa bàn hiện có 1.579 nhà chung cư cũ, nhiều nhà đã xuống cấp nghiêm trọng. Đến năm 2018, TP đã hoàn thành xây mới đưa vào sử dụng 14 chung cư cũ, phá dỡ 5 chung cư để cải tạo xây mới. Đồng thời giao 19 nhà đầu tư lập quy hoạch chi tiết để cải tạo, xây dựng lại 28 chung cư… Nhằm từng bước cải thiện môi trường Thủ đô, TP cũng triển khai các Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy; đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, phế thải xây dựng, chất thải công nghiệp và công nghiệp nguy hại; hoàn thành và đưa vào vận hành các Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, Hồ Tây…TP cũng đã huy động được gần 400 tỷ đồng cho việc bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa; đã thực hiện công bố Danh mục các dự án dự kiến thu hút đầu tư trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 (đợt 1), trong đó có 11 dự án công viên với tổng mức đầu tư 36.800 tỷ đồng. Đã tiến hành khởi công 2 công trình là Công viên hồ và hồ điều hòa CV1 tại khu đô thị Cầu Giấy và dự án công viên văn hóa du lịch vui chơi giải trí Kim Quy. Các quy định liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng sống của người dân cũng được thực thi và mang lại hiệu quả thực tế.Vẫn còn nhiều vướng mắcTuy nhiên, khi đánh giá về 5 năm thi hành Luật Thủ đô, UBND TP cũng chỉ ra không ít hạn chế, vướng mắc. Đáng lưu ý, phần lớn các văn bản là căn cứ pháp lý ban hành Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết đã sửa đổi, bổ sung, thay thế (như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở…). Nên việc thực thi các quy định của Luật Thủ đô bị hạn chế bởi các quy định của văn bản pháp luật ban hành sau về thẩm quyền, cơ chế tự chủ của chính quyền Hà Nội… Luật còn thiếu những quy định nhằm đảm bảo cho Hà Nội trong việc xây dựng chính quyền đô thị, quản lý các đô thị vệ tinh; cơ chế chỉ định thầu đối với một số dự án quan trọng.Trong rất nhiều vướng mắc cụ thể được TP chỉ ra, trong đó việc quản lý dân cư trong khu vực nội đô, một trong những mục tiêu quan trọng được đặt ra trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô nhằm bảo đảm cơ cấu dân số Hà Nội hợp lý cũng đang nảy sinh nhiều vấn đề. Số lượng dân di cư tự phát vào nội thành ngày một tăng (tăng khoảng 210.000 người/năm) kéo theo đó là những áp lực rất lớn về hạ tầng xã hội, giao thông, nhà ở, chất lượng sống...Để văn bản pháp lý đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với Hà Nội đi vào cuộc sống hiệu quả hơn, theo UBND TP, cần thiết phải có sự quan tâm chỉ đạo sâu sắc và cụ thể của các cơ quan liên quan, trong đó có việc sửa một số điều khoản của Luật Thủ đô. Như bổ sung các quy định có liên quan của Luật Thủ đô nhằm bảo đảm mô hình tổ chức chính quyền đô thị phù hợp đặc điểm, tình hình của Thủ đô Hà Nội theo tinh thần của Điều 111 Hiến pháp 2013; áp dụng cơ chế quản lý của chính quyền đô thị tại đơn vị hành chính đã được quy hoạch là TP vệ tinh của Thủ đô. Sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 4 Điều 16 theo hướng cho phép Hà Nội phát triển các khu nhà ở xã hội tập trung… Đồng thời, tăng phân cấp, ủy quyền cho TP được quyết định một số cơ chế chính sách, đặc thù…Nhằm phát huy hiệu quả của Luật Thủ đô, Hà Nội cũng xác định tiếp tục nghiên cứu, rà soát các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, phát hiện mâu thuẫn, chồng chéo, không hợp lý, thiếu tính khả thi, qua đó ban hành văn bản, quy định mới thay thế, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.