Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

5 năm tới, giá nhà sẽ chỉ ở mức dưới 12 triệu đồng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hầu hết các dự án nhà ở xã hội trên cả nước đều sẽ có mức giá dưới 12 triệu đồng/m2. Hiện, Hà Nội đang cần khoảng 100.000 căn hộ, trong khi mới triển khai xây dựng được khoảng 10.000 căn.

Giá nhà ở xã hội sẽ có dưới 12 triệu đồng/m2

Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) Nguyễn Đức Hùng cho biết,  từ nay đến 2015, HUD dự kiến triển khai 02 dự án, đó là Tây Nam Linh Đàm và Thanh Lâm, Đại Thịnh, Mê Linh . Giá thành sẽ tính theo từng khu vực, trong đó, đối với dự án Tây Nam Linh Đàm khoảng 12 triệu đ/m2, đối với dự án Thanh Lâm, Đại Thịnh dự kiến giá dưới 9 triệu đ/m2.

Đề cấp về giá nhà ở xã hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết:  "Hôm ký thông báo triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng tại Ngân hàng BIDV, tôi có nói giá nhà ở xã hội dưới 12 triệu đ/m2, và hôm nay tôi xin khẳng định lại các dự án nhà ở xã hội ở Hà Nội bắt đầu triển khai với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng thì sẽ có giá dưới 12 triệu đồng/m2".
 
 
5 năm tới, giá nhà sẽ chỉ ở mức dưới 12 triệu đồng - Ảnh 1
 
Ảnh minh họa.

Cụ thể dự án của HUD tại Tây Nam Linh Đàm, dự án nằm trong khu đô thị kiểu mẫu với hạ tầng cơ sở tốt như vậy nhưng giá dưới 12 triệu đ/m2, giá nhà dự án của Viglacera tại Đặng Xá là 8,5 triệu đ/m2 và một loạt các dự án nhà ở xã hội khác ở Hưng Yên, Thái Bình, Phú Thọ, Bắc Ninh đều có giá dưới 7 triệu đ/m2.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, với mức giá cả vật liệu xây dựng, đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng hiện nay thì mức giá như vậy là sự cố gắng rất lớn của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như của chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, tăng cường hơn kiểm soát chất lượng. Chất lượng các nhà thu nhập thấp đáp ứng đầy đủ như nhà ở thương mại. Yêu cầu kỹ thuật, độ an toàn là như nhau.

Tăng cường nguồn cung nhà ở

Tại buổi tọa đàm trực tuyến về gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng mua nhà ở xã hội trên Công thông tin điện tử Chính phủ, trả lời câu hỏi: “Theo thống kê nhu cầu nhà ở xã hội, riêng tại Hà Nội con số đã là gần 100.000 căn. Nhu cầu lớn như vậy, trong khi lượng cung – tính tại thời điểm này và trong thời gian sắp tới- là rất hạn chế. Liệu đây có phải là yếu tố khiến gói 30.000 tỷ đồng sẽ không thể thực hiện được những mục tiêu đề ra? Bộ Xây dựng sẽ có những giải pháp nào để tăng “cung” cho thị trường, đặc biệt là tại Hà Nội, TP. HCM?”, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết: Không phải bây giờ chúng ta triển khai xây nhà ở xã hội, mà từ cuối năm 2009 chúng ta đã triển khai nhà ở xã hội ở các đô thị lớn và đến nay cả nước đã có khoảng gần 10.000 hộ dân vào ở trong các khu nhà dành cho người thu nhập thấp.

Ngoài ra, còn có nhiều dự án nhà ở thương mại  chuyển sang nhà ở xã hội, đồng thời tạo nguồn lực cho người dân mua. Vì vậy, nguồn cung cho nhà ở xã hội là có và tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Cụ thể có 157 dự án nhà ở xã hội đang triển khai và từ đầu tháng 6/2013 đã liên tục có những dự án nhà ở xã hội lớn được khởi công. Như tại Hà Nội, từ đầu tháng 6 đã có 3 dự án như Dự án của HUD ở Tây Nam Linh Đàm với quy mô trên 1.000 căn; dự án của Viglacera ở Đặng Xá với quy mô 2.500 căn; rồi dự án ở Bắc Thăng Long của CEO. Mặc dù nguồn cầu nhà ở xã hội ở Hà Nội rất lớn, trong đó riêng các bộ, ngành đăng ký khoảng 30.000 căn thì chúng ta sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các chủ đầu tư đăng ký xây thêm nhà ở xã hội trên nguồn đất sẵn có.

Bộ Xây dựng sẽ quy hoạch những khu đất rộng hàng trăm ha có cơ sở hạ tầng đầy đủ đáp ứng tiêu chí về nhà ở xã hội. Tức là, trước mắt sử dụng quỹ đất 20% để xây nhà ở xã hội nhưng về lâu dài phải quy hoạch các khu có diện tích lớn, cơ sở hạ tầng đầy đủ.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng: Chúng ta không hy vọng với quy mô gói 30.000 tỷ đồng sẽ đáp ứng hoàn toàn nhu cầu nhà ở xã hội cho người dân, mà là để tạo cú hích ban đầu, còn về  lâu dài phải kết hợp các nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân…

Thực tế, hiện nhà ở cho sinh viên, công nhân ở khu công nghiệp do người dân tự xây chiếm tới 70-80%. Vì vậy, việc xây nhà ở xã hội sẽ phải kéo dài nhiều năm, với những chính sách phù hợp từng thời kỳ để giải quyết dần dần từng bước…

Liệu có bong bóng bất động sản mới?

Trả lời câu hỏi: “Hiện đã có nhiều dự án mở cửa để đón đà phục hồi của thị trường. Những người có nhu cầu nhà ở thực sự cũng mong đợi, song lại lo ngại rất có thể lại ‘dính’ vào đợt sóng ảo khi khắp nơi ồ ạt bàn tán về gói hỗ trợ cho vay mua nhà, trong khi đó việc tiếp cận chưa biết sẽ được đến mức nào. Ý kiến của Thứ trưởng về vấn đề này như thế nào? Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, lượng tồn kho bất động sản còn nhiều vậy tại sao lại khuyến khích xây nhà, liệu có thành bong bóng mới không?”, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam khẳng định: Nước ta có 90 triệu dân, tương đương khoảng 25 triệu hộ gia đình, 32% ở đô thị, tương đương khoản 30 triệu người. Theo báo cáo, số lượng tồn kho khoảng 40- 50.000 căn/ tổng số 25 triệu hộ gia đình. Vậy đây có phải con số lớn hay không?.

Vấn đề “lớn” ở đây không nằm trong nhu cầu người dân, mà đây là dư thừa những căn hộ giá cao, có căn hộ lên tới 90 triệu đồng/m2 nằm ngoài khả năng thanh toán của người dân. Nhược điểm của thị trường bất động sản hiện nay là vừa thừa, vừa thiếu. Chúng ta thừa căn hộ cao cấp, nhưng thiếu nhiều loại hàng hóa phù hợp mức sống và khả năng thanh toán của người dân.

Hiện nay, Hà Nội đang cần khoảng 100.000 căn hộ, trong khi mới triển khai xây dựng được khoảng 10.000 căn. Thị trường hiện đang còn thiếu những căn hộ phù hợp nhu cầu và khả năng thanh toán của người dân.

Để giải quyết vấn đề này, Thông tư 02  cho phép chuyển dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, chuyển những dự án có cơ cấu căn hộ lớn sang căn hộ nhỏ, do vậy không lo dư thừa.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, nhu cầu của người dân còn rất lớn, hiện còn khoảng 1,7 triệu dân đô thị sống dưới 5m2/người; khoản 2 triệu công nhân khó khăn về nhà ở. Chưa kể khoảng 10 triệu người sống dưới 10m2 đầu người. Vấn đề là cần có chính sách, quy mô hàng hóa phù hợp để phát triển bền vững.