KTĐT - Không ít người cho rằng ông Obama cần phải có một dự luật kích thích thứ hai dưới dạng một "dự luật việc làm" để chống lại tình trạng thất nghiệp đang gia tăng.
Năm đầu tiên nắm quyền tại Nhà Trắng của Barack Obama được ghi dấu bằng 5 quyết định được đưa tin nhiều nhất, gây tranh cãi nhất và có tác động lớn nhất đến nước Mỹ.
1. Gói kích thích kinh tế
Lên nắm quyền khi nền kinh tế Mỹ đang vật lộn với suy thoái và rất nhiều người tin rằng trên bờ vực của khủng hoảng sâu rộng hơn, sáng kiến quan trọng đầu tiên của Tổng thống Obama là thông qua một gói kích thích kinh tế khổng lồ với hy vọng đưa nền kinh tế trở về đúng quỹ đạo. Đạo luật Tái đầu tư và Phục hồi Mỹ trị giá 800 tỉ USD năm 2009 bao gồm việc cắt giảm thuế liên bang, mở rộng các trợ cấp thất nghiệp và tiền cho các chính quyền tiểu bang cũng như những dự án công cộng chủ yếu về y tế, năng lượng và giáo dục.
Dự luật được các nhà bình luận như Dan Balz của tờ Washington Post đánh giá như một khởi đầu "táo bạo" cho nhiệm kỳ tổng thống của Obama. Chính quyền mới đã không e sợ tiêu tốn cũng như sự sôi sục của những người phản đối ý tưởng "chính phủ phải chi ra trong những thời điểm khủng hoảng kinh tế". Những người ủng hộ Obama, kể cả một số nhà kinh tế bảo thủ, tin rằng dự luật đã ngăn chặn cuộc suy thoái trở nên tồi tệ hơn.
Tuy nhiên, việc phê chuẩn dự luật đi kèm một cái giá phải trả. Không một chính khách Cộng hoà nào ở Hạ viện và chỉ có 3 đại diện của đảng đó tại Thượng viện bỏ phiếu thông qua nó. Thêm vào đó, cuộc chiến đã dẫn tới một sự xói mòn ngay lập tức mọi thiện chí từng tồn tại giữa tân tổng thống và đảng đối lập. Bên ngoài Washington, dự luật đã phân cực các ý kiến của công chúng Mỹ về ông chủ mới của Nhà Trắng và dẫn tới sự ra đời của cái sau này trở thành phong trào Tea Party (phóng trào chống các chính sách kinh tế của Obama - PV).
Trong vài tháng kể từ khi dự luật được phê chuẩn, nước Mỹ vẫn ở tình trạng mà nhiều người định nghĩa là suy thoái. Không ít người cho rằng ông Obama cần phải có một dự luật kích thích thứ hai dưới dạng một "dự luật việc làm" để chống lại tình trạng thất nghiệp đang gia tăng.
2. Hai lần tăng viện cho Afghanistan
Khi chuyển tới Nhà Trắng, Barack Obama có thể đã thừa hưởng cái mà không một tân tổng thống Mỹ nào từng phải đón nhận: hai cuộc chiến tranh lớn ở nước ngoài. Xuyên suốt chiến dịch vận động tranh cử, Obama đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc di chuyển trọng tâm nỗ lực quân sự của Mỹ từ Iraq hiện đã ổn định sang Afghanistan.
"Nếu một cuộc tấn công khác trên xứ sở của chúng ta xảy đến, nó sẽ có thể xuất phát từ cùng khu vực mà các âm mưu khủng bố 11/9 đã được vạch ra. Tuy vậy, đến hôm nay, chúng ta vẫn duy trì số binh sĩ ở Iraq gấp 5 lần ở Afghanistan", vị tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ nhấn mạnh trong một bài phát biểu mùa hè năm ngoái.
Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi chỉ trong tháng đầu tiên lên nắm quyền, Obama ra lệnh triển khai thêm 17.000 lính Mỹ tới Afghanistan để hỗ trợ 38.000 binh sĩ đã có mặt tại đây. Tuy nhiên, động thái đó đã chứng minh chưa đủ, và tới tháng 8/2009, Tướng Stanley McChrystal, vị Tư lệnh Mỹ mới được bổ nhiệm ở Afghanistan, đã đưa ra một tuyên bố tương đối sửng sốt: Taliban đã giành được thế thượng phong và cuộc chiến 8 năm trong khu vực đang nhanh chóng đi đến thất bại. Để vãn hồi chiến dịch, McChrystal cần thêm ít nhất 40.000 binh sĩ nữa.
Ngày 1/12/2009, Tổng thống Obama, sau một thời gian suy tính dài, đã ra lệnh điều 30.000 lính tăng viện tới Afghanistan trong vòng 6 tháng. Nhiệm vụ của số quân này sẽ là đối phó với sự bành trướng của Taliban và giúp huấn luyện các lực lượng an ninh Afghanistan kiểm soát đất nước của chính họ. Obama hy vọng có thể bắt đầu rút quân Mỹ khỏi khu vực vào cuối năm 2011 nhưng không đề xuất bất kỳ thời gian biểu cụ thể nào ngoài thời điểm đó.
3. Theo đuổi cải cách y tế
Mặc dù kết quả của nỗ lực cải cách hệ thống y tế Mỹ hiện vẫn chưa rõ nhưng Barack Obama đã tiến được gần hơn tới việc thông qua một dự luật cuối cùng so với bất kỳ tổng thống nào trước đó.
Quyết định chủ chốt của Obama trong việc theo đuổi cải cách là trao việc soạn thảo dự luật cho các lãnh đạo quốc hội. Nhiều người quy kết thất bại của cựu Tổng thống Bill Clinton về vấn đề này năm 1993 cho việc chính quyền của ông chọn tự đề ra kế hoạch và yêu cầu quốc hội phải thông qua. Trong khi đó, các yêu cầu chi tiết duy nhất của Obama là, các chi phí cần phải được đề cập tới trong dự luật và rằng bất kỳ dự luật nào cũng phải mang tới hệ thống chăm sóc sức khoẻ chất lượng, giá cả phải chăng đối với mọi người dân Mỹ.
Dẫu vậy, con đường qua quốc hội rất gập ghềnh. Suốt mùa hè và mùa thu vừa qua, các cuộc tranh luận công khai nảy lửa nổ ra xung quanh các vấn đề quyền lựa chọn của công chúng, nạo phá thai, "các hội đồng tử hình" (các hội đồng y tế có quyền khuyến cáo nên chấm dứt chữa trị cho những người bị bệnh đến thời kỳ quá nặng, hay quá già yếu - PV) và chi phí tổng cộng. Trừ ngoại lệ là một bài diễn văn trọng yếu hồi tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Obama hầu như vẫn ở trong hậu trường, thúc ép các lãnh đạo Hạ viện và Thượng viện tập hợp đủ số phiếu để thông qua dự luật. Hạ viện cuối cùng đã phê chuẩn một dự luật cải cách y tế với số phiếu ủng hộ sít sao vào ngày 7/11 trong khi Thượng viện có động thái tương tự vào dịp Giáng sinh vừa qua.
Dù việc đảng Dân chủ để mất chiếc ghế thứ 60 ở Thượng viện sẽ làm cho mọi việc trở nên khó khăn thì Obama vẫn hy vọng có thể ký thông qua một phiên bản thoả hiệp của hai dự luật cải cách y tế của Hạ viện và Thượng viện trong những tuần tới đây.
4. Bổ nhiệm Chánh án Toà án tối cao Sonia Sotomayor
Một số sử gia có thể cho rằng, ảnh hưởng quan trọng và lâu dài nhất của một tổng thống bắt nguồn từ các quyết định bổ nhiệm vào Toà án tối cao. Sự nghỉ hưu đột ngột, gây kinh ngạc của Chánh án David Souter đã mang tới cho Obama cơ hội đầu tiên để tạo dấu ấn ở toà án cấp cao nhất nước.
Lựa chọn của ông cho vị trí Chánh án Toà án tối cao - Sonia Sotomayor - vừa đáng tranh cãi, vừa không. Trong khi các nhóm người gốc Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha thích thú với triển vọng có một người trong số họ nắm giữ chiếc ghế quyền lực của Toà án tối cao thì những người Cộng hoà bảo thủ trở nên phẫn nộ trước những biểu lộ niềm tự hào văn hoá "không chính thống" của bà Sotomayor. Họ không tiếc lời chỉ trích bà Sotomayor vì một phát biểu tai tiếng rằng "một người gốc Latinh khôn ngoan" sẽ có những quyết đinh pháp lý tốt hơn nhờ kinh nghiệm của mình, đồng thời cáo buộc những gì mà ông Obama ca ngợi là "sự thấu cảm" đáng ngưỡng mộ của nữ chính khách này thực chất là một tiêu chuẩn kép về tự do.
Tuy nhiên, thành tích xét xử tương đối ôn hoà và cách cư xử điềm đạm trong các phiên toà đã giúp bà Sotomayor vượt qua được các vòng bỏ phiếu phê chuẩn của quốc hội. Bà chính thức được Thượng viện chấp thuận vào ngày 6/8/2009 với 68 phiếu ủng hộ trên 31 phiếu chống. Trong bài phát biểu ngắn gọn tiếp sau việc bà Sotomayor được quốc hội phê chuẩn, Tổng thống Obama đã ca ngợi động thái đó là "phá vỡ một rào cản nữa, đưa chúng ta tiến thêm một bước gần hơn tới khối đoàn kết hoàn hảo hơn".
5. "Đóng cửa" nhà tù Mỹ ở Guantanamo
Suốt chiến dịch vận động tranh cử vào Nhà Trắng, Barack Obama cam kết sẽ đóng cửa nhà tù quân sự của Mỹ tại Vịnh Guantanamo, Cuba. Ông lập luận rằng, trung tâm giam giữ này làm tổn hại danh tiếng Mỹ cũng như vi phạm các nguyên tắc cơ bản của nước này.
Sau khi nhậm chức, Obama gần như ngay lập tức ký một sắc lệnh đóng cửa nhà tù Guantanamo trong vòng một năm. Những người bảo thủ la ó phản đối và buộc tội tân tổng thống "nhân nhượng bọn khủng bố". Tuy nhiên, sắc lệnh là một trọng tâm trong nỗ lực nhìn chung thành công của Obama nhằm khôi phục danh tiếng Mỹ khắp toàn cầu sau thời kỳ cầm quyền không được ưa thích của người tiền nhiệm George W. Bush.
Dẫu vậy, khi hạn chót cận kề, chính quyền Obama buộc phải thừa nhận, như trong lời lẽ phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, rằng "công việc chuẩn bị cho điều đó hoá ra phức tạp hơn nhiều so với chúng ta tiên liệu".
Lầu Năm góc được loan báo là sẵn sàng phóng thích ít nhất 100 trong số tổng cộng 200 tù nhân ở Guantanamo. Tuy nhiên, cơ quan này nhận ra rằng, chẳng có mấy nước sẵn lòng đón nhận các nghi can khủng bố ấy. Và hiện tại, các thông tin gắn kết những cựu tù nhân Guantanamo với kẻ âm mưu đánh bom dịp Giáng sinh và Al-Qaeda ở Yemen càng làm cho các thách thức lớn hơn bao giờ hết.
Quyết định này tượng trưng cho những gì xảy ra khi các kỳ vọng cao của Obama đối mặt với thực tiễn khắc nghiệt và phức tạp của cái gọi là "cuộc chiến chống khủng bố".