KTĐT - Năm nay có 5 giải thưởng (không có giải nhất) được trao cho 5 Tiến sĩ có luận án Tiến sĩ sử học xuất sắc nhất.
Ngày 29/11, nhân kỷ niệm 125 ngày mất của danh nhân Phạm Thận Duật, tại Văn Miếu Quốc tử giám (Hà Nội), Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cùng Quỹ giải thưởng Phạm Thận Duật đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật năm 2009.
Năm nay có 5 giải thưởng (không có giải nhất) được trao cho 5 Tiến sĩ có luận án Tiến sĩ sử học xuất sắc nhất. 3 giải nhì thuộc về Tiến sĩ Trần Thiện Thanh (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) với luận án "Chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Nhật Bản trong nửa đầu thế kỷ XX"; Tiến sĩ Văn Thị Thanh Mai (Bảo tàng Hồ Chí Minh) với đề tài "Hồ Chí Minh với cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa"; Tiến sĩ Phan Thanh Hải (Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế) với "Các thủ phủ thời chúa Nguyễn trên đất Quảng Trị và Thừa Thiên Huế".
2 giải ba thuộc về Tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy (Đại học Hồng Đức, Thanh Hóa) với đề tài "Thành Tây Đô và vùng đất Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) từ cuối thế kỷ XIV đến giữa thế kỷ XIX" và Tiến sĩ Ngô Văn Hà (Đại học Kinh tế Đà Nẵng) với đề tài "Đảng lãnh đạo sự nghiệp giáo dục đại học ở miền Bắc (1954 - 1975)".
Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật ra đời năm 2000, nhân dịp kỷ niệm 115 năm ngày mất của danh nhân Phạm Thận Duật. Giải thưởng do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cùng Quỹ giải thưởng Phạm Thận Duật (do hậu duệ của danh nhân chủ trì) lập nên. Qua 10 năm và 10 lần trao giải, đã có 49 Tiến sĩ sử học được vinh dự nhận giải thưởng, trong đó có 2 giải nhất, 22 giải nhì và 25 giải ba.
Phạm Thận Duật (4/11/1825-29/11/1885), là một chí sĩ yêu nước, một danh nhân văn hóa, một nhà sử học lỗi lạc. Ông là người đã cùng Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi ra Sơn Phòng ( tỉnh Quảng Trị), phát động phong trào Cần Vương chống Pháp. Ông còn để lại nhiều tác phẩm thơ văn, nhật ký, tấu tập như Quan Thành văn tập, Vãng sứ Thiên Tân nhật ký, Quang Thành tấu tập, Hà đê tấu tập…
Phạm Thận Duật cũng là một nhà sử học, đã từng giữ chức Phó Tổng tài Quốc sử quán, được giao trách nhiệm tổng duyệt bộ quốc sử lớn nhất của triều Nguyễn là Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Ông cũng là người được giao trọng trách chỉnh sửa phần Dục Anh Tông hoàng đế thực lục chính biên trong bộ Đại Nam thực lục đệ tứ kỷ./.