Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

5 tuyến cáp biển của Việt Nam đi quốc tế đều hoạt động bình thường

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi sự cố trên 2 tuyến cáp quang AAG và AAE-1 được khắc phục, chất lượng dịch vụ Internet Việt Nam đi quốc tế đã cải thiện.

Là 1 trong 5 tuyến cáp quang biển chiếm phần lớn dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế, ngày 27/9/2023 tuyến cáp Asia Africa Europe 1 (AAE-1) gặp sự cố gây mất dung lượng trên hướng cáp kết nối đi Singapore.

Đến chiều ngày 22/11/2023 tuyến cáp quang biển quốc tế AAE- 1 đã hoạt động ổn định trở lại sau khi được khắc phục sự cố.

5 tuyến cáp biển của Việt Nam đi quốc tế đều đã hoạt động bình thường
5 tuyến cáp biển của Việt Nam đi quốc tế đều đã hoạt động bình thường

Được biết, tuyến cáp có chiều dài hơn 20.000 km, đi qua Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam (nhánh cáp rẽ vào Việt Nam dài 314km, điểm cập bờ tại Bà Rịa - Vũng Tàu), Brunei, Hong Kong (Trung Quốc), Philippines và Mỹ là Asia America Gateway (AAG) đã được đối tác quốc tế cũng đã sửa chữa, khắc phục sự cố trên nhánh cáp gần trạm cập bờ Vũng Tàu của tuyến cáp vào ngày 6/11/2023. 

Như vậy, hiện tại cả 5 tuyến cáp quang biển AAG, APG, AAE-1, SMW3 và IA đều đang duy trì hoạt động bình thường.

Trước đó, cuối năm 2022 và đầu năm 2023, cả 5 tuyến cáp quang biển của nước ta đều gặp sự cố. Tình huống này làm ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ Internet quốc tế cho khách hàng khi tổng dung lượng Internet Việt Nam đi quốc tế qua 5 tuyến cáp này là khoảng 18 Tbps, với hiệu suất sử dụng khoảng 65%.

Ngay sau đó, nhằm khắc phục sự cố, Bộ TT-TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông tìm biện pháp giải quyết trong quý II/2023. Nhiều doanh nghiệp viễn thông có dung lượng đi quốc tế đã tổ chức ký hợp đồng hoán đổi để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Trên tình hình đó, đòi hỏi nước ta cần có nhiều hơn nữa tuyến cáp quang biển quốc tế. Dự kiến cuối năm 2026 sẽ có 3 tuyến cáp quang kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế có sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp viễn thông trong nước đã được bổ sung và đưa vào sử dụng.

Mục tiêu đến năm 2030, các tuyến cáp quang có sự đầu tư của doanh nghiệp viễn thông trong nước tối thiểu là 6 tuyến trong đó có khoảng 3 tuyến do doanh nghiệp viễn thông Việt chủ trì.

Ngoài ra để góp phần đảm bảo tính an toàn, bền vững của hệ thống cáp viễn thống kết nối từ nước ta đi quốc tế, Bộ TT-TT cũng có định hướng để các nhà mạng xây dựng cáp đất liền kết nối quốc tế.