Theo đó, có 24 đơn vị ở miền Bắc, 4 đơn vị ở miền Trung, 1 đơn vị ở Tây Nguyên và 22 đơn vị ở miền Nam được phép thực hiện xét nghiệm khẳng định người mắc Covid-19.
Hiện nay, trên thế giới đang triển khai song song 2 phương pháp xét nghiệm SARS-CoV-2 là xét nghiệm tìm gen virus (phương pháp RT-PCR) và xét nghiệm kháng thể (thường sử dụng để xét nghiệm nhanh).
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội vào sáng 4/5, hiện số mẫu đã xét nghiệm là 81.293 mẫu, trong đó có 19.247 mẫu test nhanh và 62.046 mẫu xét nghiệm RT-PCR.
Trong số 19.247 mẫu test nhanh, 52 mẫu có kết quả dương tính, nhưng khi xét nghiệm khẳng định bằng kỹ thuật RT-PCR thì đều âm tính. Xét nghiệm bằng test nhanh cho kết quả nhanh (sau 20 phút) nhưng có nhược điểm là độ chính xác chỉ đạt 60 - 70% và có phản ứng chéo với các bệnh khác.
Trong khi đó, phương pháp xét nghiệm RT-PCR có độ chính xác cao vì phát hiện trực tiếp gen của virus, nên tại thời điểm dương tính thì bệnh nhân chắc chắn đang có virus SARS-CoV-2 trong người. Vì vậy, phương pháp RT-PCR thường được dùng để khẳng định lại kết quả xét nghiệm nhanh.
Tuy nhiên, trong công tác phòng, chống dịch bệnh, việc phối hợp cả 2 phương pháp xét nghiệm RT-PCR và xét nghiệm nhanh sẽ giúp kiểm soát dịch nhanh và tốt hơn nhằm giảm tải áp lực y tế và tập trung nguồn lực vào điều trị những ca thực sự mắc SARS-CoV-2.