Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

6 giải pháp cải cách hành chính

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội là thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của cả nước và quan hệ quốc tế. Nơi có rất nhiều cơ quan của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan ngoại giao đặt trụ sở

Do vậy, cần có một nền hành chính khoa học chặt chẽ, thông thoáng và đúng pháp luật để góp phần quản lý Thủ đô ngày một tốt hơn.

Cần phải xây dựng lộ trình trước mắt hàng năm và lâu dài trong việc cải cách hành chính đối với từng lĩnh vực cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải trên cơ sở cải cách thủ tục hành chính toàn diện và triệt để sát với thực tế, mọi người dễ hiểu, dễ tiếp cận và dễ thực hiện. Tôi đề xuất 6  giải pháp tổ chức thực hiện:

Một là, thành lập, củng cố, hoàn thiện bộ máy hành chính từ thành phố đến cơ sở xã phường, thị trấn về cán bộ, cơ sở vật chất, qui chế hoạt động… Đây phải là cơ quan tham mưu hiệu quả cho Ủy ban nhân dân các cấp trong việc cải cách hành chính.

Hai là, năm 2013 nên tập trung củng cố và thực hiện nghiêm túc chế độ “Một cửa” từ cấp xã phường. Hiện nay một số cơ sở từ cấp xã đến cấp huyện hiệu quả chưa cao, còn gây phiền hà cho công dân khi đến làm việc. Thực hiện chưa đúng qui định một cửa dẫn đến nhiều khiếu kiện vượt cấp kéo dài.

Ba là, chấn chỉnh tác phong làm việc một cách nghiêm túc, chuẩn mực đối với đội ngũ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp xã phường ‘Như thời gian làm việc, tác phong làm việc, trang phục, biển hiệu, những chức danh cần công khai số điện thoại cá nhân thì buộc phải công khai để nhân dân biết…’

Bốn là, những vị trí cần có chuyên môn ‘Như tư pháp, công an, thuế, tài chính, địa chính…’ cần lựa chọn, rà soát, tuyển dụng người có phẩm chất đạo đức, chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, am hiểu pháp luật để đảm bảo giải quyết các thủ tục hành chính cho công dân ngay từ cấp cơ sở. Như hiện nay cán bộ cấp xã phường có trình độ chuyên môn còn hạn chế do không được đào tạo cơ bản, kiêm nhiệm, nên chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính. Số cán bộ cấp xã phường có trình độ đại học chính quy chưa đạt 10% , một số cán bộ qua các hệ đào tạo khác, hoặc ngắn hạn, làm việc theo chủ quan, kinh nghiệm nhiều hơn.

Năm là, việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cần được nghiên cứu kỹ hơn, sát thực tế hơn, người dân dễ nhớ, dễ thuộc, dễ thực hiện tránh dài dòng chồng chéo, khó nhớ, khó thực hiện. 

Ví dụ: Kỳ họp vừa qua của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội thông qua quyết định về việc nhập cư vào thành phố Hà nội đối với người ngoại tỉnh tối thiểu có việc là, thu nhập ổn định, nếu không có nhà ở thì ít nhất phải có ba năm thuê nhà liên tục ở một địa chỉ diện tích tối thiểu 15 m2/người…Như vậy là chưa sát với thực tế. Nếu hai vợ chồng tốt nghiệp đại học được tuyển dụng vào làm việc tại một cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp ở Hà Nội với mức lương tối thiểu hiện nay đối với đại học mới ra trường là 2,34 x 1,150 nghìn đồng liệu có đủ để thuê nhà ở 30 m2 cho hai vợ chồng không? Và nếu 1 đến 2 năm sau họ có một con thì diện tích thuê nhà là 45 m2 trong ba năm để được nhập khẩu ở Hà Nội không. Đó là điều bất cập khó thực hiện được. Tại sao Hội đồng Nhân dân Thành phố không nghiên cứu giảm thiểu diện tích thuê nhà xuống khoảng 10 m2/người thì chính sách thu hút người hiền tài sẽ hiệu quả hơn.

Hay ví dụ khác: Việc Hội đồng Nhân dân Thành phố qui định thu phí giao thông đường bộ qua ô tô, xe máy và giao cho cấp xã, phường, thị trấn thu mà chưa qui định cụ thể thu như thế nào (Thu theo đăng ký hộ khẩu, hay tạm trú, biển số đăng ký Hà Nội hay ngoại tỉnh, thu tại UBND xã, phường hay tại gia đình…Biên lai thu có phải mang theo người khi tham gia giao thông hay không… Tại sao Hà Nội không xây dựng một phương án khác như mua bảo hiểm bắt buộc đối với ô tô, xe gắn máy và mang theo các giấy tờ tùy thân khác khi tham gia lưu thông trên đường hoặc thu qua xăng dầu thì đương nhiên mọi người có nhu cầu dùng ô tô , xe máy sẽ phải nộp lệ phí giao thông đường bộ và nhà nước sẽ không thất thu…

Sáu là, về công tác tuyên truyền: Ngoài các phương tiện thông tin đại chúng Hà Nội nên cải cách một bước tuyên truyền như: Củng cố, nâng cấp để 100% xã phường có hệ thống truyền thanh công cộng và xây dựng chương trình tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách, văn bản qui phạm pháp luật mới của thành phố trong khung giờ nhất định “Sáng 5h30 đến 6h, trưa 11h đến 11h30, chiều 17h30 đến 18h” chẳng hạn. Mọi người dễ tiếp thu, dễ nhớ, dễ thực hiện bởi vì không thể ai cũng có báo chí để đọc, thời gian để xem tivi, qua internet…

Nói đến cải cách hành chính và thủ tục hành chính là một quá trình mà cả hệ thống chính quyền, các cơ quan tổ chức nhà nước cùng nhau thực hiện. Nên chúng ta làm tốt các công tác qui hoạch, xây dựng cán bộ hành chính tốt, thực hiện kỷ cương hành chính tốt và hệ thống văn bản qui phạm pháp luật tốt thì tôi nghĩ cải cách hành chính không những của Hà Nội mà trên phạm vi cả nước sẽ đạt hiệu quả tốt về quản lý hành chính nhà nước dần dần sẽ được cải thiện và ổn định.