Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

6 nhóm chính sách được đề xuất cho Luật khu công nghiệp, Luật khu kinh tế

Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 3/4, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung thông tin về những cơ chế chính sách mà Bộ đề xuất cho Luật khu công nghiệp, Luật khu kinh tế.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung thông tin tại buổi họp báo.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung thông tin tại buổi họp báo.

Theo đó, hiện Bộ đang xây dựng đề xuất để xây dựng luật, tên gọi dự kiến là Luật Khu công nghiệp và Khu Kinh tế, đã gửi Bộ Tư pháp để tẩm định, đề xuất. Tiến độ đang tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp để hoàn thiện đề xuất nhằm xây dựng luật này.

Ở bước này, Bộ đang đề xuất cơ bản có 6 nhóm chính sách trong nội dung của luật, để làm sao đảm bảo thúc đẩy phát triển các Khu công nghiệp, Khu kinh tế, đáp ứng các yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, nhưng đồng thời đáp ứng được xu thế mới trên thế giới, như Kinh tế Xanh, Kinh tế Số, kinh tế tuần hoàn…

Chi tiết hơn về 6 nhóm chính sách, theo ông Đỗ Thành Trung tập trung vào nhóm chính sách hỗ trợ, gồm: Nhóm chính sách hỗ trợ cho các dự án để thực hiện được việc liên kết ngành, cụm liên kết ngành trong phạm vi Khu Công nghiệp, Khu Kinh tế. Khẳng định Việt Nam đã có kinh nghiệm triển khai các dự án tại một số khu, tuy vây, theo ông chúng ta chưa triển khai trên phạm vi rộng.

Nhóm chính sách tiếp theo là nhóm chính sách để hỗ trợ các loại hình Khu Công nghiệp có tính chuyên môn, chuyên biệt, có tính đặc thù cao, ví dụ loại hình Khu Công nghiệp hỗ trợ, Khu Công nghiệp chuyên ngành, Khu Công nghiệp công nghệ cao, Khu Công nghiệp sinh thái…, chính những khu này có tính chất đặc thù và có chính sách ưu việt hơn nên phải có tiêu chí, các quy định để lựa chọn đầu tư thứ cấp vào các Khu Công nghiệp này nhằm đảm bảo thực hiện phát triển mục tiêu của các Khu Công nghiệp chuyên biệt.

Nhóm thứ 3 là phát triển các Khu Công nghiệp hiện đại, thông minh thu hút được các lĩnh vực đầu tư mới như: Kinh tế Số, Xanh, sản xuất chịp, mang tính chất bán dẫn, công nghiệp vật liệu, đổi mới sáng tạo, đồng thời gắn với xu thế mới sử dụng về năng lượng, đặc biệt năng lượng Xanh, năng lượng tái tạo tại các khu Công nghiệp này.

Nhóm thứ 4 là phát triển các khu đô thị có tính chất tổng hợp (các khu công nghiệp gắn với phát triển đô thị-dịch vụ) để làm sao lấy công nghiệp là mục tiêu chính, vừa tạo công ăn việc làm, vừa thúc đẩy phát triển công nghiệp, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nhưng đô thị và dịch vụ là nơi vừa cung cấp các dịch vụ gia tăng, là nơi sinh sống của các chuyên gia, tạo tiện ích công cộng xã hội cho cộng đồng, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp này.

Thứ 5 là các chính sách, các quy định bổ sung ưu đãi liên quan đến thuế, phí, chính sách tài chính, vốn… đặc biệt đối với các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái hoạt động trong các khu công nghiệp chuyên biệt, để đảm bảo khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào đây và khuyến khích phát triển các khu công nghiệp.

Cuối cùng khi thông qua các chính sách này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư muốn nhắm đến một việc đó là việc điều chỉnh, sửa đổi bổ sung các quy định liên quan đến thủ tục hành chính, đây là một trong những biện pháp vừa thí điểm, vừa có quy định mới để có thể vừa tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư trong các khu vực này, đồng thời đúc rút được các bài học kinh nghiệm giúp cho vấn đề lớn hơn đó là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên phạm vi cả nước.

“Hiện nay hồ sơ đề xuất đang tập trung vào 6 nhóm chính sách trên, trong quá trình tiếp tục hoàn thiện để xây dựng dự thảo luật, Bộ tiếp tục cung cấp cho báo chí” – ông Đỗ Thành Trung thông tin.