Nhiều điểm bất hợp lý
Ngày 19/6/2023, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Giá (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024. Đây là một dự án Luật quan trọng, có ảnh hưởng rộng đến nhiều ngành, lĩnh vực. Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật này.
Mới đây, góp ý vào Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Giá (dự thảo Nghị định thi hành Luật Giá), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chỉ ra nhiều điểm bất hợp lý, gây khó cho doanh nghiệp.
Cụ thể, về thủ tục kê khai giá, Điều 4.14 của Luật giá 2023 quy định: "Kê khai giá là việc tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc trường hợp phải kê khai giá quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật này gửi thông báo mức giá sau khi định giá, điều chỉnh giá cho cơ quan Nhà nước có thầm quyền để phục vụ tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường".
Theo dự thảo Nghị định, một số loại hàng hóa, dịch vụ sẽ tiến hành kê khai giá từ ngày 1/7/2024 gồm: hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá; hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu để các tổ chức, cá nhân định mức giá cụ thể bán cho người tiêu dùng; xi măng, thép xây dựng; than; dịch vụ viễn thông; thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 6 tuổi, trang thiết bị y tế...
Tuy nhiên, theo VCCI, thực tế một số cơ quan tiếp nhận hồ sơ kê khai giá đã lạm dụng thủ tục này, gây khó khăn cho doanh nghiệp và yêu cầu đơn vị phải giải trình yếu tố cấu thành mới đồng ý cho điều chỉnh giá.
Bên cạnh đó, Điều 15.3.b vẫn quy định theo hướng cơ quan Nhà nước có quyền yêu cầu doanh nghiệp bổ sung, giải trình hồ sơ. “Nếu việc yêu cầu bổ sung, giải trình hồ sơ này bao gồm cả việc trả lời các câu hỏi về nội dung kê khai thì thủ tục này sẽ không còn mang bản chất là thủ tục thông báo nữa. Quy định này sẽ dẫn đến tình trạng một số nơi, một vài trường hợp bị biến tướng thành cơ chế xin cho như trước đây” – VCCI lo ngại.
Việc không cho phép các doanh nghiệp điều chỉnh giá vì các lý do khác biến động yếu tố hình thành giá sẽ gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế - VCCI chỉ ra.
Về nguyên nhân điều chỉnh giá, VCCI cũng chỉ ra điểm bất hợp lý khi doanh nghiệp không được điều chỉnh giá bán. Cụ thể, Phụ lục 06 quy định doanh nghiệp phải: “Phân tích nguyên nhân, nêu rõ biến động của các yếu tố hình thành giá tác động làm tăng hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá giữa lần kê khai giá hiện hành so với kỳ liền kề trước”.
Theo VCCI, quy định này đã giới hạn lại các nguyên nhân được phép thay đổi giá, tức là chỉ có sự biến động yếu tố hình thành giá mới được coi là nguyên nhân hợp pháp, các nguyên nhân khác không được chấp nhận. Quy định này không chỉ không phù hợp với Luật Giá, vì đã giới hạn các trường hợp được điều chỉnh giá, mà còn trái quy luật kinh tế thị trường.
Về chính sách khuyến mại, giảm giá, chiết khấu, Điều 28.3 của Luật Giá quy định: “Nội dung kê khai giá gồm mức giá gắn với tên, chủng loại, xuất xứ (nếu có), chỉ tiêu chất lượng (nếu có) và nguyên nhân điều chỉnh giá bán giữa các lần kê khai”.
Tuy nhiên, tại Phụ lục 6 của dự thảo về Mẫu văn bản kê khai giá lại yêu cầu doanh nghiệp phải kê khai thêm cả nội dung về chính sách khuyến mại, giảm giá, chiết khấu.
VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo loại bỏ nội dung này tại Phụ lục. Bởi việc Phụ lục yêu cầu thêm nội dung này trái với Điều 28.3 của Luật Giá. Mặt khác, không phải trường hợp nào doanh nghiệp cũng chuẩn bị chính sách khuyến mại, giảm giá, chiết khấu. Đồng thời, quy định này có thể sẽ khiến doanh nghiệp ngại khuyến mại, giảm giá, chiết khấu cho khách hàng và có thể dẫn đến không đạt được thoả thuận bán hàng.
Chuyên gia nói gì?
Nêu quan điểm đối với dự thảo Nghị định thi hành Luật Giá, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc xây dựng dự án Luật tạo lập môi trường pháp lý ổn định và thống nhất trong lĩnh vực giá, đẩy mạnh phân công, phân cấp trong quản lý giá, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giá; góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân.
Về thủ tục kê khai giá, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) cho biết, đây là yêu cầu hoàn toàn hợp lý. Bởi thực tế ở các nước tư bản phát triển đang thực thi vấn đề này rất kỹ, không có tình trạng doanh nghiệp tự do định giá.
Đối với việc kê khai nội dung về chính sách khuyến mại, giảm giá, chiết khấu, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng hoàn toàn hợp lý. Bởi chính sách quảng cáo, khuyến mại cần ở một giới hạn, một khung hợp lý, không phải doanh nghiệp thích kê khai bao nhiêu cũng được. Nếu lạm dụng khuyến mại, giảm giá sẽ đẩy giá thành sản xuất, liên quan đến lãi, lỗ của doanh nghiệp. Đồng nghĩa với việc tính toán nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp sau này và chống chuyển giá.
Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc phải kê khai giá khuyến mại là một cách để quản lý giá. Thực tế, trong Luật cạnh tranh quảng cáo cũng có quy định này. Doanh nghiệp khi làm khuyến mại phải có phương án nói rõ giá khuyến mại để tránh bán phá giá và việc kê khai chỉ là một sự minh bạch, tránh tình trạng khuyến mại quá nhiều dưới giá thành. Kê khai chỉ là thông báo cho khách hàng.
Đối với việc điều chỉnh giá bán nhóm hàng do Nhà nước quản lý, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nêu quản điểm, doanh nghiệp hoàn toàn được phép quyết định thay đổi giá trong khung quy định khi các yếu tố định giá thay đổi, với điều kiện do sức ép cạnh tranh, hoặc do biến động yếu tố cấu thành giá.
Để tránh tình trạng nhũng nhiễu, gây khó dễ cho doanh nghiệp khi làm thủ tục kê khai giá, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần đưa ra một yêu cầu kê khai chuẩn chỉnh, sau đó doanh nghiệp chỉ cần áp dụng làm 1 lần, chứ bắt doanh nghiệp đi lại lại là một cách nhũng nhiễu.