TP Hồ Chí Minh:

6 tháng đầu năm phát hiện 97 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng

Nguyễn Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Chiều 5/7, tại Diễn đàn Kết nối công chức trẻ với chủ đề “Quy hoạch và phát triển TP Hồ Chí Minh - Tầm nhìn tương lai” đại diện Sở Xây dựng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024 đã phát hiện 97 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng.

Báo cáo tham luận về công tác quản lý quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng trên địa bàn, ông Huỳnh Lê Công Trường - Phó chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, qua gần 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 23 của Ban Thường vụ Thành ủy và Kế hoạch của UBND TP Hồ Chí Minh, bình quân số vụ vi phạm trật tự xây dựng trong 1 ngày giảm đến 78% so với thời điểm trước khi Chỉ thị 23 được ban hành.

Năm 2023, Thanh tra Sở Xây dựng đã phối hợp với UBND cấp xã, huyện, Ban quản lý các khu đô thị mới, khu chế xuất, khu công nghiệp tăng cường thực hiện công tác kiểm tra với 55.435 lượt, phát hiện 423 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, giảm 36 trường hợp so với năm 2022.

Một công trình vi phạm trật tự xây dựng được cơ quan báo chí phản ánh trong thời gian gần đây.
Một công trình vi phạm trật tự xây dựng được cơ quan báo chí phản ánh trong thời gian gần đây.

Cụ thể, có 83 trường hợp sai phép, giảm 41 trường hợp so với năm 2022; 85 trường hợp không phép, giảm 33 trường hợp so với năm 2022. Bên cạnh đó, phát hiện 155 trường hợp vi phạm khác, tăng 34 trường hợp so với năm 2022, chủ yếu là các công trình không che chắn, rơi vãi vật liệu xây dựng.

Cũng theo ông Huỳnh Lê Công Trường, trong 6 tháng đầu năm 2024, Thanh tra Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đã phối hợp kiểm tra 21.161 lượt, phát hiện 97 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng.

Cụ thể, phát hiện 31 trường hợp sai phép, giảm 29 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023; 29 trường hợp không phép, giảm 1 trường hợp; 37 trường hợp vi phạm khác, giảm 21 trường hợp.

Lực lượng chức năng đã ra quyết định xử phạt 106 trường hợp vi phạm hành chính đối với 97 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng này. Trong đó, 6 quyết định thuộc thẩm quyền ban hành của Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, với tổng số tiền xử phạt hơn 2,8 tỷ đồng; 33 quyết định thuộc thẩm quyền ban hành của Chánh Thanh tra Sở Xây dựng, với tổng số tiền xử phạt hơn 1,4 tỷ đồng; 67 quyết định xử phạt thuộc thẩm quyền ban hành của Chủ tịch UBND cấp huyện.

Bên cạnh đó, ông Huỳnh Lê Công Trường cũng cho biết, để công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn đạt hiệu quả, cần sự chung tay vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Cần phát huy vai trò giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân; chấn chỉnh, nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức liên quan; thường xuyên tăng cường công tác tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

Đồng thời, cần xây dựng quy trình, công khai minh bạch, đảm bảo thông thoáng, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Tăng nguồn cung về nhà ở hợp pháp nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân. Ứng dụng khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo vào công tác quản lý nhằm nâng cao tính bao quát, kịp thời, minh bạch trong quản lý Nhà nước.

Được biết, Diễn đàn Kết nối công chức trẻ với chủ đề "Quy hoạch và phát triển TP Hồ Chí Minh - Tầm nhìn tương lai" được tổ chức nhằm tạo môi trường để cán bộ, công chức, viên chức trẻ TP Hồ Chí Minh giao lưu, trao đổi kinh nghiệm công tác.

Qua đó, phát hiện những vấn đề thực tiễn, lắng nghe các ý tưởng, hiến kế xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, trang bị kiến thức thực tế cho đoàn viên, thanh niên, sinh viên chuyên ngành quy hoạch đô thị và xây dựng tại các trường đại học về quy hoạch và phát triển TP Hồ Chí Minh.

Năm nay, Diễn đàn được tổ chức tại Đoàn Khối Dân - Chính - Đảng TP Hồ Chí Minh.