KTĐT - Từng là một học giả vào hàng “sao” ở Đại học Princeton và một chuyên gia hàng đầu về Đại suy thoái, ông Bernanke hiện là người đứng đầu ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới.
Trên tạp chí chuyên xếp hạng Forbes, nhà kinh tế học Nouriel Roubini - người nổi tiếng vì dự báo được cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 - đã “điểm danh” 7 chuyên gia kinh tế mà ông cho là quyền lực nhất thế giới.
Đây đều là những gương mặt có mức độ tham gia lớn, ở khía cạnh này hay khía cạnh khác, vào những vấn đề kinh tế hàng đầu hiện nay.
1. Ben S. Bernanke, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED)
Từng là một học giả vào hàng “sao” ở Đại học Princeton và một chuyên gia hàng đầu về Đại suy thoái, ông Bernanke hiện là người đứng đầu ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới.
2. Lawrence Summers, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ
Ông Summers là một học giả sáng giá, nguyên Chủ tịch Đại học Havard, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ. Hiện ông đang giữ vai trò cố vấn kinh tế của Tổng thống Barack Obama, nhưng sắp rời vị trí này. Các đánh giá kinh tế của ông luôn có ảnh hưởng lớn, cho dù ông có làm việc trong chính phủ hay không.
3. Jeffrey Sachs, Giám đốc Viện Trái Đất, Đại học Columbia
Ông Sachs là học giả kinh tế vĩ mô hàng đầu, đồng thời là chuyên gia hàng đầu về các vấn đề nghèo đói, kém phát triển ở châu Phi và các quốc gia nghèo khác, cũng như vấn đề phát triển bền vững. Ông có ảnh hưởng chính sách lớn tại Liên hiệp quốc và trên phạm vi toàn cầu.
4. Paul Krugman, nhà báo chuyên mục của New York Times
Từng giành giải Nobel kinh tế và thường xuyên có những bài bình luận kinh tế sắc bén trên tờ New York Times, Krugman là người đi đầu trong việc bảo vệ trường phái kinh tế học Keynes.
5. Raghuram Rajan, nhà kinh tế học thuộc Đại học Chicago
Rajan là một trong những nhà kinh tế học đầu tiên chỉ ra sự bóp méo trong vấn đề lương thưởng và những sai lầm khác ở Phố Wall, vốn được coi là nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng tài chính toàn cầu.
6. Kenneth Rogoff, nhà kinh tế học thuộc Đại học Havard
Ông Rogoff là một học giả có nhiều ảnh hưởng, từng giữ vai trò chuyên gia kinh tế trưởng tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đồng thời là một chuyên gia về các cuộc khủng hoảng tài chính. Mới đây, ông đã xuất bản một cuốn sách về lịch sử 800 năm của các cuộc khủng hoảng tài chính.
7. Martin Wolf, nhà báo chuyên mục của tờ Financial Times
Là người đứng đầu mảng bình luận kinh tế của tờ Financial Times, ông Wolf có thể được xem là nhà báo chuyên mục ảnh có ảnh hưởng nhất thế giới hiện nay, một học giả nổi tiếng về các vấn đề kinh tế.