|
Đạm Hà Bắc đang lỗ nghìn tỷ đồng. Ảnh: Internet |
Tại cuộc họp, Ban chỉ đạo cho biết, ngoài 5 nhà máy, dự án thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả mà Quốc hội đã nêu lên tại Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2 vừa qua (là nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất và nhà máy đạm Ninh Bình), Ban chỉ đạo cũng bổ sung sơ bộ thêm 7 nhà máy, dự án khác (đạm Hà Bắc, đạm DAP 1 Lào Cai, DAP 2 Hải Phòng, Ethanol Bình Phước, Ethanol Phú Thọ, nhà máy đóng tàu Dung Quất, dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và nhà máy gang thép Lào Cai) đang có tình trạng tương tự để tập trung xử lý dứt điểm theo đúng Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nhằm kéo giảm nguy cơ mất vốn đầu tư, tiêu hao nguồn lực nhà nước cũng như của xã hội. Như vậy, tổng cộng Bộ Công Thương đang có 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả cần phải xử lý.
Dưới đây là 7 nhà máy, dự án đang thua lỗ, kém hiệu quả cần phải xử lý:
Đạm Hà Bắc lỗ nghìn tỷ Nhà máy Đạm Bắc Hà hình thành từ năm 1960. Năm 2010, Công ty TNHH Một thành viên Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Hanichemco) triển khai dự án cải tạo, mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc với tổng vốn đầu tư 568 triệu USD.
Công suất nhà máy lên 500.000 tấn urê, trong đó đầu tư một dây chuyền sản xuất mới có công suất 320.000 tấn urê, và cải tạo dây chuyền sản xuất hiện có sang sử dụng nguyên liệu than cám có công suất 180.000 tấn urê một năm.
Theo báo cáo của công ty, năm 2015, khi dự án đi vào hoạt động cũng là lúc công ty lâm vào thua lỗ nặng với con số 675 tỷ đồng. Năm 2016 số lỗ dự kiến khoảng 488 tỷ đồng.
Đến năm 2019, Đạm Hà Bắc dự kiến hết lỗ luỹ kế. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá phân đạm giảm mạnh cùng sự cạnh tranh quyết liệt, số lỗ của công ty có nguy cơ sẽ lớn hơn nhiều lần so với dự báo ban đầu.
Đạm DAP Lào Cai "dính" hàng loạt sai phạmCuối năm 2014, Công ty Cổ phần DAP số 2-VINACHEM thuộc Công ty TNHH MTV Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) tổ chức lễ xuất xưởng lô sản phẩm phân bón Điamôn Phốtphát (DAP) đầu tiên từ dây chuyền sản xuất DAP công suất 330.000 tấn/năm.
Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra nhiều sai phạm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng tại dự án này. Theo kết luận thanh tra, việc điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình còn sai sót, làm tăng tổng mức đầu tư gần 79,9 tỷ đồng. Công tác đàm phán, ký kết hợp đồng với gói thầu EPC còn một số tồn tại dẫn đến giá một số hạng mục công trình và vật tư, thiết bị trong biểu giá hợp đồng cao hơn so với giá dự phòng. Chính điều này đã làm tăng giá trị hợp đồng hơn 145 tỷ đồng và hơn 2,5 triệu USD.
Cơ quan thanh tra đánh giá, việc quản lý chuyên gia nước ngoài của Công ty cổ phần DAP số 2 còn tồn tại: Chủ đầu tư không quản lý chuyên gia nước ngoài theo điều khoản trong hợp đồng thuê tư vấn về thời gian làm việc, khối lượng và tiến độ thực hiện công việc. Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng nhà máy DAP số 2 đã sử dụng chi phí quản lý dự án vượt hơn 25,7 tỷ đồng.
Kết luận cũng chỉ ra việc Công ty cổ phần DAP số 2 có sai sót trong nghiệm thu, thanh toán vượt hơn 1,2 triệu USD tiền thuế giá trị gia tăng mua hàng nhập khẩu tại gói thầu EPC. Đơn vị này cũng không tính đúng tỷ trọng thanh toán của các thành phần chi phí như thiết kế/kỹ thuật/bản quyền, mua sắm, xây dựng dẫn đến thanh toán vượt gần 47.000 USD. Việc nghiệm thu, thanh toán thừa khối lượng quét nhựa đường chống thấm, thanh toán sai giá ghi thuộc hạng mục đường sắt làm sai tăng hơn 235 triệu đồng.
Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu Công ty Cổ phần DAP số 2 chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan kiểm điểm, xác định trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân về những tồn tại, sai sót theo nội dung thanh tra, có báo cáo kết quả lên Thanh tra Bộ Xây dựng. Ngoài ra, nhà thầu tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công Dự án xây dựng nhà máy sản xuất phân bón cao cấp DAP số 2 phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với lãnh đạo, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc để xảy ra tồn tại, sai sót với công tác lập dự án, nghiệm thu và thanh toán.
Vì Vinachem là cổ đông chính của Công ty Cổ phần DAP số 2 nên Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu đơn vị này kiểm tra, làm rõ khoản tăng do đàm phán, ký kết hợp đồng tại gói thầu EPC là hơn 145,2 tỷ đồng và hơn 2,5 triệu USD, báo cáo kết quả gửi về Thanh tra Bộ Xây dựng để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
DAP 2 Hải Phòng không có nguồn trả nợ đúng hạnDAP Hải Phòng thuộc Công ty cổ phần DAP - VINACHEM (MCK: DDV). Hiện, công ty này đang lâm vào tình trạng thua lỗ nặng. Theo cáo cáo tài chính của DAP - VINACHEM, tính đến 30/9/2016, công ty lỗ luỹ kế 321 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu giảm xuống 1.145 tỷ đồng, giảm 24% so với thời điểm đầu năm. Nợ vay tài chính của DDV đang ở mức 817 tỷ đồng, gồm gần 682 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và gần 135,4 tỷ đồng nợ vay dài hạn.
Chi phí tăng cao khi lãi suất vay vốn lưu động tại ngân hàng tăng do không có nguồn trả nợ đúng hạn, khiến nhà máy gặp khó khăn trong hoạt động tài chính.
Bên cạnh đó, giá phân bón thế giới giảm sâu, ồ ạt tràn vào Việt Nam dẫn đến giá bán của công ty giảm sâu và rơi vào tình trạng thua lỗ.
Dự án Ethanol Bình Phước và Phú Thọ thua lỗ lớnNhà máy ethanol Phú Thọ và ethanol Bình Phước là 1 trong 3 dự án sản xuất ethanol nhiên nhiệu do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư. Mỗi nhà máy có công suất 100 triệu lít/năm, nguồn vốn đầu tư do các cổ đông góp 30% và 70% phải đi vay ngân hàng. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, cả 2 nhà máy đều thua lỗ lớn.
Cụ thể, chủ đầu tư dự án Nhà máy xăng sinh học Phú Thọ là Công ty cổ phần Hoá dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB) có vốn đầu tư khoảng 1.317 tỷ đồng, sau đó điều chỉnh tăng lên 2.484 tỷ đồng. Cổ đông lớn nhất của Nhà máy xăng sinh học Phú Thọ là PVOil (39,76%).
Dù đã giải ngân 1.534 tỷ đồng, song dự án đã dừng thi công từ cuối năm 2011, bỏ dở dang từ đó đến nay.
Liên doanh nhà thầu chính là Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC), thời kỳ ông Trịnh Xuân Thanh giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị của PVC.
Còn dự án Nhà máy Ethanol Phú Thọ có tổng mức đầu tư khi phê duyệt là 1.317,5 tỷ đồng, giá trị gói thầu EPC hơn 59 triệu USD. Nhưng trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư PVB và nhà thầu PVC đã điều chỉnh tăng thêm hơn 14,3 triệu USD.
Đặc biệt, dự án được khởi công sớm nhất nhưng chưa hoàn thành. Nhà thầu PVC đã dừng thi công từ tháng 11/2011, vi phạm hợp đồng PVC, gây hậu quả nghiêm trọng.
|
Nhà máy đóng tàu Dung Quất. Ảnh: Internet |
Nhà máy đóng tàu Dung Quất mất cân đối tài chínhCông ty Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất (DQS) là đơn vị chủ quản của Nhà máy đóng tàu Dung Quất, được Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam - Vinashin (nay là SBIC) thành lập vào năm 2006. Thực hiện chủ trương tái cơ cấu Vinashin, từ ngày 1/7/2010, Vinashin bàn giao DQS sang PVN.
Theo báo cáo tài chính tại thời điểm chuyển giao về PVN (30/6/2010), DQS có vốn điều lệ hơn 3.758 tỷ đồng, lỗ luỹ kế 1.235 tỷ đồng và tổng khoản nợ phải trả là 7.440 tỷ đồng. DQS được đánh giá là mất cân đối về tài chính, không có khả năng thanh toán nợ.
Sau khi nhận bàn giao từ Vinashin, đến nay PVN đã chuyển cho DQS 5.095 tỷ đồng, bao gồm 1.900 tỷ đồng góp vốn điều lệ và 3.104 tỷ đồng để thanh toán nợ.
Tại thời điểm 30/6/2016, vốn điều lệ của DQS là 1.990 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 1.108 tỷ đồng. Tổng các khoản nợ phải trả vẫn còn hơn 6.893 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng 1.227 tỷ đồng.
Công ty còn khoản lỗ luỹ kế hơn 3.674 tỷ đồng, trong đó lỗ phát sinh giai đoạn từ 1/7/2010 đến ngày 30/6/2016 là 2.439 tỷ đồng. DQS đã có lãi trở lại vào các năm 2014 - 2015, nhưng dự kiến do tình hình khó khăn, năm 2016 sẽ lại lỗ khoảng 103,7 tỷ đồng.
Dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và nhà máy gang thép Lào Cai liên tục lỗ lớn
Mỏ sắt Quý Sa có trữ lượng trên 120 triệu tấn, lớn thứ 2 của Việt Nam (sau mỏ Thạch Khê, Hà Tĩnh).
Năm 2006, Công ty TNHH Khoáng sản và luyện kim Việt - Trung (VTM) được thành lập. Đây là liên doanh giữa Tổng công ty Thép Việt Nam, Công ty Khoáng sản Lào Cai và Tập đoàn Gang thép Côn Minh (Trung Quốc), đầu tư Dự án Nhà máy gang thép Lào Cai và mỏ sắt Quý Sa, quản lý vận hành sản xuất sau khi công trình hoàn thành.
Tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án gần 337,52 triệu USD, trong đó, Nhà máy gang thép chiếm gần 307 triệu USD, mỏ sắt Quý Xa và hạng mục thành phần là 30 triệu USD. Nhà máy Gang thép Lào Cai giai đoạn 1 có công suất 500.000 tấn phôi thép/năm.
Sau gần một thập kỷ khai thác quặng sắt, tháng 6/2014, nhà máy gang thép Lào Cai đã chạy thử. Tuy nhiên, kể từ khi vận hành, nhà máy liên tục lỗ lớn. Theo ban lãnh đạo công ty ước tính năm 2015 lỗ 650 tỷ đồng.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, tinh thần việc xử lý các nhà máy, dự án này phải quán triệt chủ trương, các quan điểm chỉ đạo của Đảng trong Nghị quyết số 05, Hội nghị Trung ương 4 Khóa XII là: “Kiên quyết xử lý các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp theo nguyên tắc và cơ chế thị trường”.
Phó Thủ tướng nêu rõ, tinh thần xử lý các dự án, nhà máy này là phải rất quyết liệt, khẩn trương, đồng bộ, đồng lòng, hợp sức, bảo đảm tới hết năm 2017 phải có chuyển biến căn bản về kết quả xử lý, phấn đấu tới hết năm 2018 cơ bản xử lý xong các dự án, doanh nghiệp này.
Nhấn mạnh việc xử lý các hạn chế, yếu kém của các nhà máy, dự án này là vì sự phát triển của đất nước, Phó Thủ tướng nêu rõ các bộ, ngành, doanh nghiệp, ban quản lý dự án phải đồng lòng, đồng sức, báo cáo trung thực để tìm ra phương án xử lý và giải pháp khắc phục.
“Ban chỉ đạo sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, tổ chức, đơn vị, cá nhân với tên tuổi cụ thể, thực hiện nhiệm vụ gì, bao giờ hoàn thành. Kiên quyết không để công việc bị trì hoãn, không tiến triển”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh. “Nhà nước nhất quyết không dùng tiền ngân sách để bù lỗ, hỗ trợ cho các dự án này nữa”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ quan điểm.