Bước vào tháng cuối cùng của năm 2010, có thể khẳng định nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2010 của Việt Nam đã thành công tốt đẹp, đánh dấu một bước phát triển mới đầy ý nghĩa của Việt Nam trên bước đường hội nhập khu vực và quốc tế, khẳng định chính sách nhất quán luôn coi trọng ASEAN cả về hợp tác đa phương và quan hệ song phương; nỗ lực hết mình vì một ASEAN vững mạnh, đoàn kết và liên kết ngày càng chặt chẽ hơn. Đây cũng chính là lợi ích chiến lược lâu dài của Việt Nam, là một bộ phận quan trọng trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, chủ động hội nhập khu vực và quốc tế của Đảng và Nhà nước ta.
Trước hết, chúng ta đã thực hiện tốt nhiệm vụ của Chủ tịch ASEAN với phương châm "tích cực, chủ động và có trách nhiệm", qua đó đã nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam. Chủ đề "Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động" do Việt Nam đề xuất đã trở thành định hướng cho hành động của Hiệp hội. Trong năm qua, Việt Nam đã tổ chức và điều hành trôi chảy nhiều sự kiện quan trọng và dồn dập của ASEAN. Chúng ta đã xử lý khéo léo và tạo được quan điểm chung rộng rãi về nhiều vấn đề phức tạp có liên quan trực tiếp đến ASEAN như tình hình Biển Đông, Myanmar, Thái Lan, bán đảo Triều Tiên… Bên cạnh đó, Việt Nam đã vận động thành công để thay mặt ASEAN tham dự Cấp cao G-20 tại Canada và Hàn Quốc và đã có những đóng góp quan trọng, thiết thực cho kết quả của các Hội nghị này trên cơ sở tham vấn chặt chẽ với các nước ASEAN khác.
Hai là, sự liên kết và thống nhất ASEAN có bước phát triển mới về chất theo hướng sâu rộng và chặt chẽ hơn. Trong năm qua, ASEAN đã tăng cường hợp tác theo hướng nâng cao tính "hành động" và "thực thi". Hầu hết các lĩnh vực: chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển… đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ góp phần đẩy nhanh quá trình hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Ba là, quan hệ đối ngoại của ASEAN được tăng cường mạnh mẽ, hỗ trợ đắc lực cho mục tiêu hòa bình, an ninh và phát triển của ASEAN. Các đối tác ngày càng coi trọng vai trò và tăng cường quan hệ với ASEAN bằng nhiều hình thức. Một số nước, nhóm nước mong muốn tăng cường hợp tác hoặc lập quan hệ với ASEAN với nhiều hình thức khác nhau như Pakistan, Belarus, Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, Khối thị trường chung Nam Mỹ…
Bốn là, vai trò khu vực và vị thế quốc tế của ASEAN được nâng cao một cách thực chất. ASEAN đã quyết định mở rộng Cấp cao Đông Á (EAS) để Nga và Hoa Kỳ tham gia trên cơ sở ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và tôn trọng các mục tiêu, nguyên tắc, thể thức và ưu tiên của EAS đã được thống nhất từ trước. Ngoài ra, ASEAN cũng phát huy được vai trò quan trọng thông qua những đóng góp tích cực tại các diễn đàn khác như APEC, ASEM, FEALAC, G20 và Liên hợp quốc.
Năm là, đối thoại và hợp tác khu vực nhằm duy trì hòa bình, an ninh cũng như phát triển bền vững, ứng phó với những thách thức toàn cầu được tăng cường mạnh mẽ thông qua nhiều khuôn khổ, cấp độ khác nhau.
Sáu là, quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước trong và ngoài ASEAN được tăng cường mạnh mẽ và thực chất. Chúng ta đã chủ động tổ chức hội đàm và tiếp xúc song phương với Lãnh đạo nhiều nước tham dự các Hội nghị của ASEAN để bàn biện pháp tăng cường quan hệ song phương, đạt được nhiều thoả thuận quan trọng và thiết thực.
Bảy là, chúng ta đã tranh thủ việc tổ chức các Hội nghị ASEAN để quảng bá đất nước, con người, lịch sử, văn hóa và tiềm năng phát triển của Việt Nam góp phần thúc đẩy tăng cường quan hệ và hợp tác giữa các nước với Việt Nam.
Việc hoàn thành tốt đẹp nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2010 của Việt Nam được lãnh đạo, đại biểu các nước cũng như dư luận quốc tế và báo chí đánh giá cao. Thành công của nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2010 là cơ sở để chúng ta tin tưởng vào tương lai của Cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết, thịnh vượng vào 2015 cũng như vai trò và vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao của Việt Nam.