74 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ: Phát huy ý chí chống “giặc” trong mùa dịch

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2021), ngày 22/7, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) tổ chức trưng bày “Thắp lửa yêu thương”, kể lại câu chuyện về các chiến sĩ yêu nước dù bị giam cầm tại Nhà tù Hỏa Lò nhưng vẫn thể hiện niềm tin, khát vọng, một lòng hướng về cách mạng, kề vai nhau trong đấu tranh.

Nuôi dưỡng khát vọng tự do

Quyết tâm đi theo con đường cách mạng, biết bao người con trên khắp mọi miền đất nước phải rời xa mái ấm gia đình, xa quê hương. Trong quá trình đấu tranh ấy, hàng nghìn chiến sĩ bị thực dân Pháp bắt, giam tại nhà tù Hỏa Lò. Chế độ giam cầm hà khắc, với cơm hầm, rau dại, cá thối; với những trận đòn tàn ác biết bao đồng chí đã hy sinh. Nén chặt trong tim nỗi nhớ nhà, người thân, người chiến sĩ nguyện hy sinh tình cảm gia đình, hạnh phúc riêng tư, vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Sống trong lao tù khắc nghiệt, người chiến sĩ luôn sát cánh bên nhau trong đấu tranh, yêu thương nhau trong cuộc sống hàng ngày, cùng hun đúc lý tưởng và nuôi dưỡng khát vọng tự do.
 Hình ảnh tại trưng bày ''Thắp lửa yêu thương''.

Qua 2 nội dung “Mạch nguồn yêu thương” và “Lửa thiêng cháy mãi”, trưng bày là lời tri ân sâu sắc những hy sinh, mất mát của các thế hệ cha anh trong ngục tù thực dân, góp phần thắp sáng ngọn lửa yêu thương, sự đồng cảm và sẻ chia. Trong đó, phần 1 “Mạch nguồn yêu thương” đã tái hiện cuộc sống lao tù khắc nghiệt của các chiến sĩ yêu nước, cách mạng khi bước chân vào “chốn địa ngục trần gian”. Để đày đọa và dập tắt ý chí phản kháng của tù nhân, nhà cầm quyền thực dân đã thực thi chế độ giam cầm vô cùng hà khắc. Chế độ giam cầm hà khắc, sinh hoạt đoạ đày, lao dịch nặng nề nhanh chóng vắt kiệt sức khoẻ của người tù, nhiều người thậm chí đã bỏ mạng trước khi hết hạn tù.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh (tù binh bị giam tại căng 1, Nhà tù Hỏa Lò tháng 6/1948 – 8/1948) kể lại trong Hồi ký “Quyết tung cánh bay về bầu trời tự do” của mình rằng: “Tôi không thể quên những lúc ốm đau tưởng chết, anh em đã vận động y tá nhà tù buộc đưa tôi đi cứu chữa ở Nhà tù Nhà Tiền, đun cơm nguội thành cháo cho tôi ăn. Tình đồng chí, đồng đội chăm sóc nhau lúc đau yếu, nhường cơm, sẻ áo thể hiện cụ thể, sâu sắc thấm thía vào gan, vào thịt”.
 Hình ảnh giới thiệu tại trưng bày ''Thắp lửa yêu thương''.

Mỗi sự cải thiện dù là nhỏ nhất trong đời sống sinh hoạt của tù nhân đều phải đánh đổi bằng máu, xương, bằng cả sinh mạng, nhưng là thêm một lần, bản lĩnh chính trị của người cộng sản được tôi luyện, tinh thần đoàn kết càng thêm xiết chặt. Nơi lao tù khổ ải, anh chị em luôn nhường cơm sẻ áo, quan tâm, chăm sóc cho nhau khi ốm đau bằng những lời động viên chân tình, nhường cho nhau từng viên thuốc, quả bàng, bát cháo. Tình bạn, tình đồng chí trong ngục tù vẫn thắm thiết, ấm áp yêu thương đã góp phần nuôi dưỡng sức sống mãnh liệt, niềm tin về ngày mai tươi sáng.

Lan tỏa ngọn lửa yêu thương

Khác với phần 1 của trưng bày “Khát vọng yêu thương” thể hiện ý chí, khát vọng tự do của chiến sĩ cách mạng khi bị đích bắt, tù đày; phần 2 với chủ đề “Lửa thiêng cháy mãi” giới thiệu những hình ảnh thế hệ hôm nay đã và đang tiếp nối truyền thống của cha anh, chung tay lan tỏa ngọn lửa của lòng yêu thương, tình tương thân tương ái trong xã hội. Ngọn lửa thiêng ấy đã góp phần thắp lên niềm tin, tạo động lực to lớn, để mỗi người vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, để xây dựng đất nước Việt Nam đoàn kết, an toàn và nhân ái.
Theo Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò: Bằng tinh thần đoàn kết, “không để ai bị bỏ lại phía sau”, trong đại dịch Covid-19 hay trong bão lũ, chúng ta được thấy nhiều hình ảnh các chiến sĩ thầm lặng không quản hy sinh nơi tuyến đầu chống dịch; những chuyến bay đưa người từ vùng dịch trở về; những hoạt động sẻ chia yêu thương trong cả nước, thể hiện sự chung sức vì cộng đồng “thương người như thể thương thân”. Điều đó thể hiện cho sức mạnh, truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc ta lại được khẳng định và phát huy ở tầm cao mới.
 Khu bể tắm hình bát giác - nơi các nam tù nhân thường ra tắm tập thể được phục dựng lại theo nguyên mẫu.

Bên cạnh đó, trong không gian trưng bày "Thắp lửa yêu thương", du khách được trải nghiệm hai không gian phục dựng theo nguyên mẫu khu bể tắm hình bát giác - nơi các nam tù nhân thường ra tắm tập thể và phòng thăm nuôi, tiếp tế của tù nhân, giúp du khách cảm nhận sâu sắc và hình dung rõ hơn về sinh hoạt kham khổ của tù chính trị. Tại không gian trưng bày, các tài liệu, hiện vật quý gắn liền với sự nghiệp hoạt động cách mạng của các cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò cũng được giới thiệu đến công chúng.

Trưng bày ra mắt công chúng bắt đầu từ 22/7 và dự kiến kéo dài đến hết tháng 12/2021 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Theo Ban Tổ chức, trong tình hình hiện nay, để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19, trưng bày chuyên đề “Thắp lửa yêu thương” sẽ được giới thiệu trực tuyến qua kênh phát thanh duy nhất của Di tích Nhà tù Hoả Lò. Chương trình hoàn toàn miễn phí, bao gồm nội dung trưng bày được cập nhật theo tuần và các câu chuyện lịch sử chọn lọc. Ngoài ra, Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò cũng giới thiệu các hoạt động trưng bày trên fanpage.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần