8 nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông dịp Tết 2017

Anh Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 26/12, tại hội nghị Tổng kết 08 năm thực hiện Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông và triển khai Kế hoạch đảm bảo TTATGT trước, trong và sau Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 trên địa bàn TP, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã đề ra 8 nhiệm vụ, bảo đảm TTATGT trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, những năm gần đây, với lợi thế là Thủ đô, TP Hà Nội có tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển đô thị và dân số tăng nhanh, phương tiện tham gia giao thông phát triển mạnh đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hạ tầng giao thông và bộ mặt văn minh đô thị. 
 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng báo cáo kết quả 8 năm thực hiện chống ùn tắc giao thông tại TP Hà Nội.
Trong bối cảnh khó khăn đó, với sự lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GTVT và các Bộ, Ban, ngành Trung ương; sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND TP, bằng nhiều giải pháp mang tính đột phá; sự vào cuộc tích cực của của cả hệ thống chính trị, các sở, ban, ngành TP, các địa phương; sự tham gia ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, TP đã vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả nhất định trong công tác bảo đảm TTATGT, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, giữ gìn trật tự văn minh đô thị.

Số điểm ùn tắc giao thông được tập trung giải quyết và giảm dần về cả số lượng và thời gian: Năm 2010 có 124 điểm, đến nay giảm còn 41 điểm; tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Việc bảo đảm TTATGT trong thời gian qua đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, không những cho Thủ đô còn phục vụ phát triển vùng Thủ đô và cả nước.

Để thực hiện hiệu quả Kế hoạch đảm bảo TTATGT trước, trong và sau Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 trên địa bàn TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là: Tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đã được nêu trong Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP ngày 31/7/2008 của Chính phủ trong tình hình mới. Tập trung phát huy các mặt đã làm được, khắc phục các tồn tại hạn chế, tiếp tục xây dựng và triển khai quyết liệt các giải pháp đảm bảo TTATGT và giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông.

Hai là: Các Sở, ban, ngành của TP, UBND các cấp thực hiện tốt chủ đề của “năm 2017 - Năm kỷ cương hành chính” do TP phát động nhằm tạo đột phá trong củng cố kỷ cương hành chính, nhất là lĩnh vực bảo đảm TTATGT, trật tự văn minh đô thị. Tạo được sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, trong đó có gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành có liên quan trong việc đảm bảo TTATGT và chống ùn tắc giao thông trên địa TP.

Ba là: Các cơ quan, đơn vị cần bám sát và triển khai một cách nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo của Ủy ban ATGT Quốc gia về công tác bảo đảm TTATGT, các chương trình, nghị quyết, kế hoạch, chuyên đề của Thành ủy, HĐND, UBND TP về chương trình mục tiêu giảm ùn tắc giao thông và kế hoạch đảm bảo trật tự an toàn giao thông trước, trong và sau Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.
 Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện báo cáo tại hội nghị
Bốn là: Sở GTVT, Công an TP; các sở, ban, ngành liên quan; các địa phương: Phối hợp thực hiện đồng bộ, thường xuyên các giải pháp về tổ chức giao thông, rà soát các điểm thường xuyên ùn tắc giao thông để đánh giá đúng, chính xác nguyên nhân, có biện pháp khắc phục kịp thời, không để ùn tắc kéo dài trên 30 phút. Lực lượng CSGT, CSTT, Cảnh sát cơ động, Thanh tra GTVT,... tăng cường công tác tuần tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về bảo đảm TTATGT.

Năm là: Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, siết chặt công tác quản lý vận tải hành khách, bố trí phân luồng, tuyến hoạt động ra, vào các bến xe hợp lý, khoa học phục tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân.

Sáu là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, tạo thói quen sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng. Đồng thời, tăng cường công tác tuần tra xử lý các vi phạm về TTATGT, giải tỏa lấn chiếm hành lang an toàn giao thông; không để lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh trái phép.

Bảy là: UBND các quận, huyện, thị xã: Chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện theo chỉ đạo của TP. Phối hợp với Công an TP, Sở GTVT, Sở Xây dựng và các sở, ban, ngành liên quan về công tác tổ chức giao thông, giải tỏa lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; giải tỏa kinh doanh trái phép, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để họp chợ; mở đường ngang trái phép,... chỉnh trang đô thị và vệ sinh môi trường. “Trước mắt tập trung triển khai kế hoạch đảm bảo TTATGT trước, trong và sau Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017 trên địa bàn hiệu quả”, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Tám là: Đề nghị, bộ GTVT, bộ Công an, các Bộ, Ban, ngành T.Ư phối hợp đồng bộ với TP Hà Nội trong công tác bảo đảm TTATGT; đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, sớm bàn giao các tuyến đường bộ, đường thủy do Bộ GTVT, Bộ NN&PTNT quản lý về TP, đồng thời bố trí vốn để duy tu, duy trì hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, cảng ven sông. Phối hợp với TP Hà Nội thực hiện sớm di dời các cơ quan, cơ sở đào tạo, bệnh viện, nhà máy theo quy hoạch…