Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

9 ngày ở “rốn ngập” của Hà Nội

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế và Đô thị, khắp các lối đi trong thôn Nam Hài đều sạch sẽ. Riêng xóm Bèo, thôn Nam Hài rác đã được đẩy ra khỏi khu dân cư, mọi nhà dân đều khá sạch sẽ.

Theo thống kê của UBND xã Nam Phương Tiến, có tới 842 hộ gia đình bị ngập lụt.
Rác đã được đẩy ra khỏi khu dân cư

Để vào được các thôn Nam Hài, Nhân Lý, Hạnh Bồ và một phần thôn Hạnh Côn xã Nam Phương Tiến đang bị cô lập bởi “biển nước”, chúng tôi phải đi thuyền hoặc ca nô.
Xóm Bèo, thôn Nam Hài là vùng trũng thấp, cũng là nơi ảnh hưởng nặng nề của thiên tai. Nhiều ngày qua, nước dâng lút nhà, dù đã dùng gạch để kê chân giường cao tới 50cm, nhưng mọi đồ vật nhà cựu chiến binh Nguyễn Văn Quân không một thứ gì còn khô. Cả gia đình phải đi lánh nạn nhà người thân cách đó vài cây số. Chỉ còn ông bám trụ lại để trông nom cửa nhà. “Lũ rừng ngang dâng bất ngờ quá, tôi không kịp chuyển thứ gì, ti vi, tủ lạnh, bình gas, thóc lúa đều chìm trong bụng nước rồi”, ông Quân kể trong chua xót.

Dù nước vẫn tiếp tục dâng cao nhưng người dân rất phấn khởi. Ông Quân cho hay, trong 2 ngày 27 và 28/7, lãnh đạo huyện Chương Mỹ đã cùng lãnh đạo, cán bộ xã Nam Phương Tiến và lực lượng bộ đội, dân quân, các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội cùng người dân thu gom, đẩy rác thải ra khỏi khu dân cư. Hiện thôn Bèo gần như đã sạch sẽ, không còn chất đống như thời gian trước”.

Trong lúc nước dâng cao, cán bộ xã cùng các lực lượng khác cũng không quản ngại khó khăn, vất vả, cùng hỗ trợ bà con di chuyển gia súc, gia cầm lên vùng đất cao. Tuy nhiên, thiệt hại về chăn nuôi vẫn đang gia tăng. Nhiều hộ phải bán non lợn, gà vì không có thức ăn chăn nuôi.
Cuộc sống người dân đảo lộn do mưa lũ
Được biết, sau khi báo Kinh tế & Đô thị đăng phóng sự ảnh “Ngập lụt kéo dài, người dân xóm Bèo kêu trời vì rác thải ô nhiễm nặng”, lãnh đạo huyện Chương Mỹ đã chỉ đạo các xã và Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai tập trung thu gom rác thải cùng bà con. Với phương châm “4 cùng”, nước rút đến đâu xử lý môi trường đến đó, trong 2 ngày 27 và 28/7, các lực lượng đã thu gom được 6 tấn rác, khoảng 1/2 lượng rác thải trên địa bàn xã Nam Phương Tiến.

Theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế và Đô thị, khắp các lối đi trong thôn Nam Hài đều sạch sẽ. Riêng xóm Bèo, thôn Nam Hài rác đã được đẩy ra khỏi khu dân cư, mọi nhà dân đều khá sạch sẽ. Tuy nhiên, người dân thôn Nam Hài vẫn đang phải đối mặt với vấn nạn ô nhiễm môi trường.
Hơn 700 người nhiễm các bệnh liên quan đến ô nhiễm nguồn nước

Ông Trần Văn Kỳ - Trưởng khoa Vệ sinh an toàn thực phẩm (Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ) cho biết: “Sau 9 ngày ngập lụt, đã có hơn 700 người nhiễm các bệnh liên quan đến ô nhiễm nguồn nước như: Nấm chân tay, tiêu chảy, đau mắt đỏ. Đến nay, Trung tâm Y tế huyện đã cấp phát thuốc miễn phí cho 700 hộ dân, mỗi hộ một túi thuốc. Tuy nhiên, nhiều hộ đã dùng hết và tiếp tục kéo đến các điểm khám chữa bệnh để xin thêm thuốc, tuy nhiên nguồn thuốc cũng đã gần cạn và chúng tôi đang đề nghị cấp thêm thuốc men”.
Theo ông Kỳ, dự kiến số lượng người mắc các chứng bệnh da liễu, tiêu chảy, đau mắt đỏ sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, bởi phải ít nhất 1 tháng nữa nước mới rút và cơ quan chức năng thực hiện các giải pháp tiêu độc khử trùng.
Ngày 30/7, huyện Chương Mỹ đã huy động hơn 500 người hộ đê tả Bùi.
Thống kê của UBND xã Nam Phương Tiến, có tới 842 hộ gia đình bị ngập lụt, khiến hơn 4.000 người bị đảo lộn cuộc sống sinh hoạt. Giếng đào đã bị ngập, giếng khoan không thể lấy nước do ngành điện lực cắt điện toàn phần, không thể vận hành máy bơm. Tối đến, nhiều ngôi nhà tối đen như mực vì không còn nến để thắp. Việc nấu ăn trở nên vô cùng khó khăn bởi thiết bị tạo nhiệt không thể hoạt động. Một số hộ bị nước cô lập, không có phương tiện di chuyển đã phải cầu cứu chính quyền tiếp tế lương thực.

Sau 9 ngày ngâp lụt, cảnh tượng di dân, di chuyển tài sản tại xã Nam Phương Tiến vẫn còn tiếp diễn. Bởi từ đêm ngày 29 tới rạng sáng 30/7, mực nước tiếp tục dâng cao thêm khoảng 40cm. Chính quyền địa phương buộc phải cầu cứu UBND huyện Chương Mỹ “chi viện” 110 chiến sĩ Trường Sĩ quan Đặc công và 30 chiến sĩ Sư đoàn 308 xuống cứu hộ đê và di chuyển lương thực, vật nuôi của Nhân dân.

Đối với thiệt hại về sản xuất, báo cáo nhanh của xã Nam Phương Tiến cho thấy, đã có 250ha lúa, 150ha hoa màu, 68ha nuôi trồng thủy sản bị mất trắng. Khoảng 25.000 con gia cầm và 500 con lợn đã bị chết vì ngập nước, đói ăn hoặc không đủ sức đề kháng trong quá trình vận chuyển. Những thiệt hại trên đã đẩy người nông dân vào tình cảnh điêu đứng, bởi sau trận lụt “thần tốc” tại xã Nam Phương Tiến năm 2017, nhiều hộ dân đã phải cầm cố tài sản vay vốn ngân hàng để khôi phục sản xuất. Hiện đã có nhiều đoàn cứu trợ xuống với bà con, tuy nhiên số hàng cứu trợ này cũng chưa thể chia hết cho Nhân dân do khó khăn về phương tiện vận chuyển.
Trao đổi với PV báo Kinh tế & Đô thị, ông Hoàng Minh Hiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết: Ngoài tuyến đê sông Bùi 1 bị tràn mặt đê (từ ngày 21/7) trên chiều dài 4km, tuyến đê Bùi 2 (phía trong) cũng đã bị tràn mặt đê do nước đột ngột dâng cao từ đêm ngày 29 - rạng sáng ngày 30/7. 

"Mặc dù chúng tôi đã huy động tối đa lực lượng quân đội tổ chức đắp bao cát để chống tràn, nhưng mực nước vẫn đang tiếp tục dâng cao. Do đó nguy cơ rất cao sẽ tràn mặt đê tả Bùi, gây ngập cho toàn bộ lúa, hoa màu của cả một vùng rộng lớn ở xã Trung Hoà", ông Hoàng Minh Hiến thông tin.