Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

9x khởi nghiệp từ “Hắc mộc heo”

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với việc cho lợn ăn các loại thảo mộc, dự án “Hắc mộc heo” của nhóm sinh viên khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Đại Nam không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao, còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc bảo tồn giống lợn đen Mường Khương quý hiếm, góp phần vào cung cấp thực phẩm an toàn trong bối cảnh thực phẩm bẩn đang là vấn nạn hiện nay.

Nuôi lợn bằng thảo mộc
Chia sẻ về lý do khởi nghiệp của mình, Trần Thị Minh Hoa - Trưởng nhóm dự án “Hắc mộc heo” cho biết: Một lần tình cờ một bạn ở Lai Châu đem thịt lợn đen Mường Khương xuống mời cả nhóm thưởng thức và giới thiệu đây là giống lợn quý hiếm, đặc sản của địa phương, chưa ở đâu có và nhân giống rất khó khăn.
“Với sự nhạy bén của một sinh viên ngành quản trị kinh doanh, em đã lóe ngay lên ý tưởng, tại sao một loại thực phẩm ngon như thế này mà ở Hà Nội không có và nếu phát triển thì chắc chắn đây sẽ là một loại thực phẩm được nhiều người tiêu dùng đón nhận” – Hoa chia sẻ. Ngay sau đó, Hoa đã bàn bạc với Bùi Minh Hòa và Nguyễn Văn Dũng (cùng là sinh viên năm 3, khoa Quản trị doanh nghiệp, trường Đại học Đại Nam) cùng tìm hiểu để kinh doanh loại đặc sản này. Cả 3 quyết định về nơi đang nuôi giống lợn này để khảo sát thực tế.
Nhóm dự án ''Hắc mộc heo''.
Qua tìm hiểu, đây là loài lợn đen quý hiếm, với ưu điểm thích ứng tốt trong điều kiện tự nhiên, đồng thời sinh trưởng phát triển nhanh, thịt thơm ngon, tăng đàn, tăng trọng, hơn hẳn giống lợn các địa phương khác, phù hợp với thị hiếu người chăn nuôi và tiêu dùng.
Tuy nhiên, người dân bản địa chưa chú trọng phát triển kinh tế từ loài vật quý hiếm này. Hơn thế nữa, trong quá trình chăn thả tự nhiên, giống lợn này đã bị lai tạp đi nhiều và nguy cơ giống lợn thuần chủng bị mất hẳn.
Cùng thời điểm đó, diễn ra cuộc thi “Thanh niên khởi nghiệp - Sáng tạo trẻ”, cả nhóm đã cùng viết lên dự án “Hắc mộc heo” để tham gia dự thi. Với ý tưởng xuất sắc mới mẻ, tính khả thi cao và ý nghĩa xã hội, dự án đã giành giải Nhất cuộc thi. Tiếp theo đó, dự án của nhóm tiếp tục nhận được giải Ba trong cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia năm 2018.
Với số tiền thưởng ít ỏi từ 2 cuộc thi, đầu năm 2019, cả 3 quyết định thành lập trang trại chăn nuôi lợn đen Mường Khương với tên gọi “Hắc mộc heo”. Dự án phát triển trên mô hình chăn nuôi từ quy mô gia đình lên quy mô trang trại. Ngoài mục đích kinh tế, dự án còn hướng tới bảo tồn giống lợn đen quý, tạo công ăn việc làm, thay đổi tập quán chăn nuôi của người dân địa phương và quảng bá sản phẩm rộng ra cả nước.
Điểm khác biệt của dự án là chăn nuôi lợn theo quy mô trang trại khép kín, bán hoang dã. Trong đó, điểm đặc biệt nhất là thức ăn được phối trộn hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên như cám gạo, ngô, đậu và 5% thảo dược được hái trong rừng.
“Các loại lá thảo dược vừa có tác dụng như một chất kháng sinh tự nhiên, giúp vật nuôi giải độc, tẩy giun sán, kích thích tiêu hóa và giúp lợn sinh trưởng tốt. Đây cũng là bí quyết tạo nên thương hiệu riêng của trang trại, giúp cho thịt lợn của Hắc mộc heo có hương vị thơm ngon đặc biệt” – Hoa bật mí.
Từ trang trại đến bàn ăn
Để có được những con giống thuần chủng tốt nhất, cả nhóm đã lặn lội vào từng nhà dân trong bản, xắn tay vào tận chuồng lợn để lựa chọn lợn giống. Tuy nhiên, việc nhân giống của trang trại gặp khó khăn do quá trình chăn nuôi tự nhiên khiến số lượng lợn đen Mường Khương thuần chủng còn rất ít. Sau nửa năm triển khai, hiện trang trại Hắc mộc heo được đặt tại bản Hon, Tam Đường, Lai Châu, với quy mô trang trại rộng 5.400m2.

Với ý tưởng xuất sắc, mới mẻ, khả thi và tính xã hội cao, năm 2018, dự án “Hắc mộc heo” đã đạt giải Nhất trong cuộc thi “Thanh niên khởi nghiệp – Sáng tạo” và giải Ba cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia.

Trang trại đang duy trì hơn 20 lợn nái. Ngoài sản xuất lợn thương phẩm, trang trại còn cung cấp lợn giống thuần chủng và chuyển giao kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho những hộ chăn nuôi khác trong vùng. Lợn đen trưởng thành có trọng lượng tối đa hơn 30kg, giá bán 130.000 đồng/kg lợn hơi, lợn con giống có giá từ 1,2 – 1,5 triệu đồng/kg.
Đối tượng khách hàng chính mà trang trại hướng tới là các cửa hàng trên địa bàn khu du lịch Sapa, các thực khách sành ăn và khách du lịch đi phượt. Với nguồn giống lợn đen quý hiếm, được chăn nuôi theo công thức riêng sẽ tạo ra sản phẩm sạch, giá trị dinh dưỡng cao, hương vị thơm ngon, đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Đây được coi là thế mạnh để trang trại cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.
“Thời điểm này, do cả 3 thành viên trong nhóm vẫn phải hoàn thành nốt chương trình học, nên trang trại được giao cho 3 lao động tại địa phương trông coi. Mọi hoạt động đều được nhóm giám sát qua hệ thống camera” – Hoa chia sẻ.
Trưởng nhóm Hắc mộc heo cho biết thêm: Sau khi hoàn thành chương trình học, chúng tôi sẽ dồn toàn lực dự án. Chúng tôi kỳ vọng, trong một thời gian không xa sản phẩm thịt lợn của trang trại Hắc mộc heo sẽ là một thương hiệu mạnh trên thị trường.
Với chiến lược kinh doanh phục vụ “từ trang trại đến bàn ăn”, ngoài các sản phẩm tươi sống, nhóm khởi nghiệp còn cung cấp các sản phẩm khác như thịt hun khói, dăm bông, xúc xích, thịt lợn sấy, nem chua... Tất cả sản phẩm không chỉ tươi, ngon mà còn đảm bảo sạch 100%.
“Chúng tôi sẽ mở rộng quy mô trang trại, mở cửa chào đón khách đến tham quan, trải nghiệm thực tế, và trực tiếp thưởng thức đặc sản của trang trại Hắc mộc heo” - Trưởng nhóm Trần Thị Minh Hoa nói.q