Theo Thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, Ả Rập Saudi, đã cắt giảm nguồn cung trong gần 2 năm qua nhằm mục đích làm gương cho các thành viên còn lại.
Các công ty dầu mỏ của Ả Rập Saudi cũng đang duy trì lượng dầu xuất khẩu ở mức thấp trong năm nay - dưới 7 triệu thùng/ngày trong những tháng gần đây - để tránh xảy ra tình trạng dư cung lớn khác khiến giá dầu lao dốc.
Tuy nhiên, vương quốc dầu mỏ đã thay đổi mạnh mẽ các điểm đến ưu tiên cho xuất khẩu dầu thô của nước này, đó là tăng doanh số tới quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới - Trung Quốc, đồng thời giảm vận chuyển đến Mỹ, theo dữ liệu theo dõi tàu, số liệu của Hải quan Trung Quốc và báo cáo của Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA).
Ả Rập Saudi cũng đang duy trì lượng dầu xuất khẩu ở mức thấp trong năm nay - dưới 7 triệu thùng/ngày trong những tháng gần đây. |
Việc giảm lượng dầu xuất khẩu và thay đổi điểm đến được xem là một “mũi tên nhằm trúng 2 đích” của Riyadh . Một mục tiêu là giảm xuất khẩu dầu sang thị trường Mỹ vốn được báo cáo minh bạch nhất, trong ngắn hạn nhằm đưa tồn kho toàn cầu giảm xuống mức trung bình phù hợp, giúp cân bằng thị trường năng lượng và đẩy giá dầu đi lên.
Một mục tiêu khác trong dài hạn là thúc đẩy doanh số bán dầu cho Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu trên thế giới, nhưng không đưa ra báo cáo cụ thể về tồn kho dầu. OPEC, EIA và các nhà giao dịch dầu mỏ thường cập nhật báo cáo của Mỹ và báo cáo và dữ liệu tồn kho dầu của OECD.
Bên cạnh đó, Ả Rập Saudi chuyển hướng sang thị trường dầu mỏ Trung Quốc cũng nhằm tận dụng lợi thế từ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành dầu mỏ Iran để tăng doanh số bán dầu cho nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới.
Sự thay đổi trong xuất khẩu của Ả Rập Saudi sang Mỹ và Trung Quốc cũng là một phần kết quả của sự thay đổi dài hạn về cấu trúc - sản xuất dầu nội địa của Mỹ bùng nổ và nhập khẩu thấp hơn, và sự tăng trưởng nhu cầu dầu liên tục của Trung Quốc, theo phân tích của EIA.
Doanh số xuất khẩu dầu của Saudi sang Mỹ đã giảm mạnh trong những tháng gần đây. Đánh giá hàng tuần của EIA cho thấy Mỹ hiện đang nhập khẩu dầu của Riyadh ở mức thấp nhất kể từ năm 2010.
Cụ thể, nhập khẩu dầu của Ả Rập Saudi sang Mỹ trong tháng 7/2019 giảm 62% so với tháng 8/2018, chỉ còn 262.053 thùng/ngày, CNBC trích dẫn số liệu từ TankerTrackers.com. Đồng thời, TankerTrackers.com ước tính xuất khẩu dầu thô của Ả Rập Saudi sang Trung Quốc đạt hơn 1,8 triệu thùng/ngày, gần gấp đôi so với doanh số trong tháng 8/2018.
Mức dự báo này chỉ thấp hơn một chút so với mức kỷ lục 1,89 triệu thùng/ngày nhập khẩu dầu của Trung Quốc từ Ả Rập Saudi vào tháng 6, tăng 64% so với tháng 5 và phá vỡ kỷ lục trước đó thiết lập hồi tháng 3 năm nay.
Theo dữ liệu do hãng tin Bloomberg tổng hợp, khoảng 1,74 triệu thùng/ngày được xuất khẩu từ Saudi sang Trung Quốc vào tháng 7, trong khi khối lượng đến Mỹ chỉ đạt 161.000 thùng/ngày - mức thấp nhất kể từ khi Bloomberg bắt đầu theo dõi các chuyến hàng tàu chở dầu vào tháng 1/2017.
Trong khi giảm mạnh việc xuất khẩu sang Mỹ, Ả Rập Saudi đang hướng về phía Đông để xây dựng mối quan hệ lâu dài trên thị trường dầu mỏ châu Á, khu vực dự kiến sẽ tăng trưởng vững chắc về nhu cầu trong những năm tới và thập kỷ sắp tới.
Hồi đầu năm nay, công ty dầu mỏ khổng lồ Saudi Aramco của Ả Rập Saudi đã ký một hợp đồng liên doanh một tổ hợp lọc dầu và hóa dầu tích hợp hoàn toàn trị giá 10 tỷ USD tại Trung Quốc. Đó chỉ một trong những thỏa thuận mà tập đoàn năng lượng Aramco đã ký kết gần đây ở Trung Quốc và Ấn Độ để nắm giữ cổ phần trong lĩnh vực lọc hóa dầu ở châu Á vốn bị ràng buộc bởi các cam kết cung cấp dầu thô dài hạn.
Vì vậy, hoàn toàn không bất ngờ khi Ả Rập Saudi đang tìm cách tận dụng nguồn dầu xuất khẩu của Iran sụt giảm tại thị trường châu Á bằng cách thúc đẩy doanh số bán dầu cho Trung Quốc.
Chiến lược mới này của Riyadh trong dài hạn buộc phải giảm nguồn xuất khẩu dầu mỏ sang phương Tây, đặc biệt là sang Mỹ, trong ngắn hạn. Với thị trường dầu mỏ hiện tại, giá dầu và tồn kho dầu ở các nước báo cáo minh bạch, Ả Rập Saudi đang cố gắng hạn chế tình trạng thừa cung ngay bây giờ trong khi đặt nền tảng để chiếm thị phần nhiều hơn tại châu Á, đặc biệt là thị trường Trung Quốc./.