KTĐT - Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia Mohamad Suleman Hidayat vừa cho biết, chính phủ nước ông đã chính thức đề nghị các nước ASEAN hoãn thực hiện cắt giảm thuế đối với 228 mặt hàng trong khuôn khổ Hiệp định Tự do thương mại ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), vốn bắt đầu có hiệu lực đầy đủ từ ngày 1/1/2010.
Phát biểu trong cuộc họp cùng ngày của Nội các đánh giá về tình hình kinh tế Indonesia năm 2009, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Hatta Rajasa cho biết, cùng với việc gửi đề xuất nói trên, nước này còn muốn các bên sớm tổ chức các cuộc tái đàm phán chính thức về vấn đề này. Phía Indonesia sẽ do Bộ trưởng Thương mại Mari Elka Pengestu dẫn đầu. Theo Bộ trưởng Hatta, chủ trương này của chính phủ Indonesia được nhiều hiệp hội doanh nghiệp nước này ủng hộ và hợp tác.
Bên cạnh đó, Indonesia cũng đang khẩn trương xem xét và có khả năng sẽ áp dụng một loạt biện pháp quản lý thị trường và bảo hộ các ngành công nghiệp nội địa chặt chẽ hơn, chẳng hạn chống bán phá giá và áp dụng tiêu chuẩn quốc gia Indonesia (SNIs) đối với một số mặt hàng nhập khẩu như giày dép, nước khoáng đóng chai, pin khô, đồ chơi trẻ em, kể cả đồ ăn; đồng thời tăng cường kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm hoa quả từ Trung Quốc.
Bộ trưởng Điều phối kinh tế, ông Hatta Radjasa cho biết Indonesia đã thành lập một đội đặc biệt, với các thành viên là người thuộc các bộ và các ngành khác nhau để cùng nhau làm việc và sớm đưa ra tiên liệu về những điều bất lợi cho các ngành nghề trong nước trước tác động của việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do ASEAN -Trung Quốc (ACFTA) và kế hoạch Thuế ưu đãi có hiệu lực chung (CEPT) thông qua Hiệp định Thương mại tự do ASEAN (AFTA).
Theo Bộ trưởng Hatta, đội đặc biệt được hy vọng có thể nâng cao hiệu quả của những nỗ lực bảo vệ thị trường nội địa trước nạn buôn lậu và phát huy vai trò trong việc bảo vệ và theo dõi sự lưu thông hàng hóa trong nước. Ống nói rằng, đội này sẽ phải đảm bảo rằng tất cả hàng hóa và dịch vụ phải đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia của Inđônêxia về y tế, an ninh và môi trường; sẽ theo dõi việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ và những nỗ lực khác để bảo vệ khách hàng cũng như báo trước các thực tế buôn bán không công bằng có thể xảy ra. Nhìn chung, trọng tâm của đội là củng cố thị trường xuất khẩu, cải thiện việc sử dụng đất và trật tự không gian, phát triển cơ sở hạ tầng và năng lượng, tăng cường các ngành mang tính sáng tạo, phát triển các lĩnh vực kinh tế đặc biệt, mở rộng việc tiếp cận tài chính và giảm giá thành cũng như phát triển hệ thống hậu cần.
Indonesia cũng đã chính thức thông báo với ASEAN và Trung Quốc về kế hoạch đàm phán lại việc áp thuế đối với 228 mặt hàng thuộc 8 khu vực công nghiệp có nguy cơ bị suy yếu do ảnh hưởng của FTA.
Không chỉ có Indonesia, giới doanh nghiệp Thái Lan, Malaysia, Philippines cũng nói ACFTA có hại cho họ.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Hoa kiều Malaysia (ACCCIM), ông Tan Sri William Cheng nói với báo chí nước này rằng “ tự do hóa thị trường một cách toàn diện có thể tác động xấu đến ASEAN”. Tan Sri William Cheng tin rằng nếu các vấn đề không được giải quyết thì ACFTA sẽ “có nhiều điểm cản trở hơn là thuận lợi”. Ông cũng nói ngoài ngành xe hơi được Chính phủ Malaysia bảo vệ chặt chẽ, các ngành công nghiệp khác sẽ gặp khó khăn khi thuế nhập hàng từ TQ xuống 0%.
Như vậy là ACFTA gồm Trung Quốc va 6 nước ASEAN là Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines và Brunei đã gặp “trục trặc” đầu tiên. Cho dù “trục trặc” này không cản trở lộ trình phát triển của ACFTA, nhưng nó cho thấy sự hợp nhất thị trường của các nền kinh tế có tốc độ phát triển khác nhau, sẽ gặp không ít khó khăn.