Chung tay cùng ngành ngân hàng hành động, Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thông (Agribank) thực hiện thành công các Chiến lược quốc gia của Việt Nam về kinh tế xanh và phát triển bền vững.
Hướng tín dụng vào lĩnh vực năng lượng xanh, sạch
Là ngân hàng thương mại dẫn đầu cho vay nông nghiệp, nông thôn (chiếm 51% thị phần tín dụng nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam), Agribank nhận thức sâu sắc về những nguy cơ khi nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức to lớn trong quá trình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường... Chính vì vậy, Agribank quyết tâm đi đầu thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh.
Theo đó, Agribank triển khai chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ “Nông nghiệp sạch” (bắt đầu từ ngày 1/11/2016) với quy mô lớn, lãi suất cho vay giảm từ 0,5 - 1,5%/năm so với lãi suất ưu đãi cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn theo quy định.
Từ nguồn vốn Agribank, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đã và đang được hình thành trên cả nước như trồng hoa (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), cá tra (An Giang), chăn nuôi lợn (Hà Nam), mía (Khánh Hòa), ngô (Sơn La)…
Cùng với đó, tăng cường rót vốn vào các dự án năng lượng sạch, điện mặt trời, tham gia nhiều dự án có liên quan đến bảo vệ môi trường do Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức tài chính tài trợ như: Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững; Quản lý rủi ro thiên tai; Hỗ trợ nông nghiệp Cacbon thấp; Cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng; Điện gió; đưa vốn tín dụng vào công cuộc chống hạn, mặn Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung Tây Nguyên…
Bám sát tính thời sự của chương trình “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông” do Thủ tướng Chính phủ và Liên Hợp quốc phát động, Agribank triển khai nhiều chương trình, hoạt động gắn với thông điệp “Vì tương lai xanh” như phát động phong trào thi đua “Nói không với rác thải nhựa”, “Chung tay làm sạch môi trường biển” tại 28 tỉnh/TP ven biển, tổ chức các roadshow đi xe đạp tại các TP lớn chuyền tải thông điệp “Cùng hành động giảm khí thải ra môi trường”…
Cho sự phát triển bền vững
Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam (Đề án 1064) nhằm mục tiêu tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, phấn đấu đến năm 2025, 100% các ngân hàng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay. Ít nhất 10 - 12 ngân hàng có đơn vị, bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội; 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh...
Với sự vào cuộc tích cực của hệ thống các tổ chức tín dụng, đến hết tháng 6/2019, dư nợ tín dụng đối với các dự án xanh là 310.600 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2018; trong đó, dư nợ trung dài hạn chiếm 76% dư nợ tín dụng xanh.
Dư nợ tín dụng xanh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh chiếm 46% tổng dư nợ tín dụng xanh; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm 15% tổng dư nợ tín dụng xanh; quản lý nước bền vững tại khu vực đô thị và nông thôn chiếm 11% tổng dư nợ tín dụng xanh và lâm nghiệp bền vững chiếm 5% tổng dư nợ tín dụng xanh.
Agribank xác định trong Chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến 2030 tiếp tục khẳng định vai trò “đầu tàu” trong đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, tín dụng xanh, cũng như nhiều chương trình cho vay ưu đãi khác. Agribank tin tưởng sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, “Vì tương lai xanh”.