Theo đó, hiện nay, hàng trăm mét vuông đất ven sông bị một số cá nhân chiếm dụng “biến” thành bãi đổ phế thải, điểm tập kết vật liệu xây dựng để kinh doanh trục lợi.
“Bức tử” lòng sông
Sau khi nhận được thông tin, phóng viên đã trực tiếp xuống hiện trường tìm hiểu thực tế vụ việc. Người dân khu Giang Chính cho biết, việc chiếm dụng đất tại khu vực lòng sông Đáy đã diễn ra 3 - 4 năm qua bởi Công ty Đức Chiến để làm bãi tập kết vật liệu. Không dừng lại ở đó, trong khoảng một năm trở lại đây, phía Công ty lại tiếp tục lấn chiếm đất bờ, lòng sông làm nơi đổ đất, phế thải xây dựng.
Tại con đường dẫn xuống dốc cầu Mai Lĩnh (cũ), chúng tôi bàng hoàng trước tình trạng lòng sông đang bị “bức tử”. Có hàng trăm tấn đất, phế liệu được đổ tràn lan xuống lòng sông; khối lượng đất, phế thải sừng sững trông như những quả núi, đang có nguy cơ tràn xuống dòng chảy bất cứ lúc nào. “Nếu cứ đổ đất tràn lan như vậy sẽ khiến hành lang thoát lũ bị xâm hại nghiêm trọng. Khi nước sông dâng, dòng chảy bị ngăn, chẳng mấy mà đoạn sông này bị lấp…” - bà Nguyễn Thị H. (người dân khu vực) bày tỏ bức xúc.
Quan sát của phóng viên cho thấy, ngay cạnh những “núi” đất, phế thải xây dựng là bãi tập kết chứa cát, sỏi, đá xây dựng rộng khoảng 200 - 300m2, máy xúc, máy ủi vẫn hoạt động bình thường. Khi được hỏi về việc chính quyền địa phương có động thái xử lý bãi tập kết vật liệu, tình trạng san lấp lòng sông hay không, một người dân bất bình: “Tình trạng này diễn ra nhiều năm nhưng có thể do phía DN quan hệ tốt với chính quyền địa phương nên lực lượng chức năng của phường đã phớt lờ để Công ty tự tung tự tác (?)”.
Lãnh đạo phường... không biết?
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Tiến Đạt - Chủ tịch UBND phường Biên Giang khẳng định, trên địa bàn phường không cấp phép bất cứ bến bãi tập kết vật liệu xây dựng nào. Còn bãi tập kết vật liệu của Công ty Đức Chiến đã tồn tại từ nhiều năm qua. Ông Đạt cho biết: “Việc chiếm dụng hành lang sông thì cũng không hẳn như vậy. Trên phần đất lợi hà có phần đất của phía gia đình nên trong quá trình kinh doanh thì công ty này tận dụng thêm đất hành lang sông để tập kết vật liệu xây dựng”. Đề cập đến trách nhiệm trong việc xử lý bãi vật liệu xây dựng không phép lấn chiếm hành lang sông, vị Chủ tịch UBND phường Biên Giang đưa ra quan điểm: Đất công do phường quản lý thì phường không được phép cho thuê, tuy nhiên nhu cầu thực tế về xây dựng thì cũng nên tạo điệu kiện để phía công ty kinh doanh (!?).
Phóng viên đặt câu hỏi: Việc đổ đất, phế liệu lấn chiếm lòng sông xâm hại hành lang thoát lũ sông Đáy, chính quyền phường có biết hay không và đã xử lý như thế nào? Ông Đạt nói: “Việc đổ đất, phường chưa nắm được. Đổ đất, phế thải xây dựng gây ảnh hưởng dòng chảy, phường không cho phép. Tôi sẽ chỉ đạo đồng chí Phó Chủ tịch cùng cán bộ phường kiểm tra và lập biên bản nếu vi phạm”. Sau khi xem những hình ảnh phóng viên cung cấp và trao đổi điện thoại với một ai đó, vị Chủ tịch phường thừa nhận có việc đổ đất xuống khu vực lòng sông Đáy, đó là bãi tập kết đất, phế thải xây dựng, sau đó Công ty bán cho người có nhu cầu san nền.
Sáng 4/11, sau gần một tháng, phóng viên trở lại thực địa nhằm kiểm chứng “sự chỉ đạo” của vị lãnh đạo phường giải quyết những vi phạm, song những đống đất cao như núi vẫn y nguyên. Thậm chí, xuất hiện thêm nhiều đống phế thải mới đổ, lượng vật liệu cát sỏi cũng được tập kết nhiều hơn!
Trước những vi phạm trên, dư luận đặt câu hỏi nghi vấn: Phải chăng chính quyền phường Biên Giang làm ngơ cho DN lấn chiếm hành lang sông Đáy để trục lợi?
Những “núi” đất, phế thải xây dựng đổ xuống khu vực lòng sông Đáy.
|